Có rất nhiều lỗi sai lầm ngớ ngẩn của những chuyên gia dịch sách và cả những chuyên gia Phong Thủy sẽ khiến cho người học, người đọc sa vào những mê hồn trân kiến thức Phong Thủy mà không có lối thoát. Có nhiều chuyên gia dịch thuật, biên tập sách Phong Thủy mà ngay đến cả những lỗi cơ bản về ngôn ngữ tiếng Hoa cũng không rành, chưa kể là có những từ ngữ mà trong văn bản cổ, sách cổ điển mang 1 ý nghĩa khác mà đến nay người Trung Quốc hiện đại hiểu theo 1 nghĩa khác, người Việt Nam lại tưởng lầm ra 1 nghĩa khác (do trùng âm Hán Việt) thì không thể học hỏi Phong Thủy được.
Sau đây xin liệt kê 1 số lỗi lầm ngôn ngữ tiếng Trung trong dịch, tổng hợp sách Phong Thủy được xuất bản, bày bán tại nước ta
1.Bát Trạch Minh Cảnh hay Bát Trạch Minh Kính
Chữ Cảnh hay chữ Kính? Điều tưởng như rất nhỏ nhặt này lại bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau. Chữ Cảnh và chữ Kính trong tiếng Hoa chỉ khác nhau duy nhất 1 bộ chữ đầu tiên như sau:
镜 – Kính và 境 – Cảnh.
Hàm nghĩa của 2 từ này khác nhau hoàn toàn: Cảnh có nghĩa là khung cảnh, cảnh giới, khung bao, biên giới. Kính có nghĩa là gương soi, gương tráng thủy mà người ta hay dùng để trang điểm, để soi chiếu… Việc dịch là Minh Kính hay Minh Cảnh hoàn toàn ảnh hưởng rất lớn để bản chất việc hiểu và ứng dụng Bát Trạch đúng hay sai chứ không phải muốn hiểu sao cũng được vì có 1 chữ cỏn con Cảnh – Kính nhưng đã tóm gọn cách định tâm, phân cung Phong Thủy.
2. Thái Dịch Quái là gì?
Trong phái Huyền Không chỉ phân thành 3 phái: Huyền Không Phi Tinh, Huyền Không Đại Quái và Huyền Không Lục Pháp.
Trong đó phái Huyền Không Đại Quái là dựa trên 64 Quái của Kinh Dịch để phối ra cách bố trí, sắp đặt cho phần mộ, nhà cửa. Một tác giả ít tên tuổi ở Đài Loan viết ra quyển Huyền Không Thái Dịch Quái và tung lên mạng miễn phí. Sau đó một số người ở Việt Nam cho rằng đây là 1 trường phái Huyền Không riêng nên định in sách ra để quảng bá về trường phái “mới” Huyền Không Thái Dịch Quái, dĩ nhiên là cũng không trả tác quyền gì cả.
Kỳ thực thì nội dung quyển sách này không có gì đặc biệt nhưng điểm gây chú ý là Thái Dịch Quái là gì? Thực ra thì vì tác giả là người Hoa nên họ dùng cách “chơi chữ” chứ không có gì đặc biệt. Chữ Đại大 (hàm nghĩa là to lớn) trong tiếng Hoa được viết gần giống với chữ Thái 太(hàm nghĩa là rất, quá) mà chỉ khác nhau đúng 1 dấu chấm bên dưới. Chữ Dịch 易 trong tiếng Hoa hàm nghĩa chỉ Kinh Dịch và cũng hàm nghĩa chỉ sự dễ dàng, không khó khăn.
Do đó thay vì dùng chữ Huyền Không Đại Quái thì tác giả muốn xóa tan suy nghĩ về đây là kiến thức khó khăn để học hỏi thì muốn chơi chữ nói rằng Đại Quái xuất phát từ Kinh Dịch và “Rất Dễ Dàng” để học (nghĩa của 2 chữ Thái Dịch太易 ).
Điểm sai lầm căn bản của tác giả bản gốc và của nhóm dịch thuật dĩ nhiên là bám vào chữ 易, vốn thường được gọi tắt của Kinh Dịch do đó nên cứ suy luận từ Dịch Kinh là rất sai lầm vì Đại Quái chỉ xuất phát từ nguyên lý Kinh Dịch nhưng thực chất đã phát triển ra khỏi 易 từ rất lâu.
3. Ngũ Hành
Rất nhiều sách vở tiếng Việt dịch rằng Ngũ Hành tức là 5 yếu tố: Kim, Thủy, Môc, Hỏa, Thổ như 5 dạng vật chất cấu thành vạn vật, vũ trụ.
Kỳ thực chữ Hành 行 trong Ngũ Hành chính là chữ Hành trong Hành Khách, Khách Bộ Hành, Phi Hành Đoàn. Chữ Hành trong tiếng Hán có nghĩa là sự di chuyển, dịch chuyển.
Do đó Ngũ Hành tức là chỉ 5 trạng thái di chuyển, biến đổi không ngừng của Khí, năng lượng; lúc này là Mộc; sau nữa sẽ biến thành Hỏa; và biến thành Thổ….Khí chỉ duy nhất có 1 nhưng tùy từng thời điểm, thời gian, từng không gian mà Khí sẽ thay đổi trạng thái, tính chất của mình chứ không phải giữ nguyên 1 yếu tố bất biến như đã là Thủy thì mãi mãi là Thủy, không có biến đổi, dịch chuyển đi.
Đó chính là yếu quyết của Phong Thủy mà trước nay người ta cứ nghĩ rằng 5 yếu tố trên là bất biến, kỳ thực năng lượng vũ trụ biến đổi không ngừng, sinh diệt không ngừng trong mỗi một sát na.
Vì vậy Ngũ Hành phải dịch đúng là 5 giai đoạn dịch chuyển chứ không phải là 5 yếu tố Thủy, Mộc,….và dĩ nhiên đã hiểu sai căn bản thì áp dụng vào thực tế cũng bị sai lầm vì bản chất Ngũ Hành là Biến chứ không phải Tĩnh hay Bất Di Bất Dịch.
Có lần 1 vị nói rất hùng hồn trên 1 diễn đàn phong thủy của Việt Nam rằng họ biết rõ nguồn gốc ra đời của Ngũ Hành Nạp Âm và thậm chí còn biết có Ngũ Hành Nạp Dương nữa, điều mà người Trung Quốc cũng không biết. Giống như trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung là có Cửu Âm Chân Kinh thì phải có Cửu Dương Chân Kinh nữa.
Kỳ thực, chữ Âm trong Ngũ Hành Nạp Âm là chữ Âm 音của Âm Thanh chứ không phải Âm 陰 của Âm Dương. Tại sao đang nói đến Ngũ Hành mà lại có Âm Thanh ở đây?! Đây là điều mà nhiều người kể cả giới học thuật, thầy ở các nước dùng tiếng Hoa cũng không phải ai cũng biết rõ. Có lần tôi hỏi điều này và được sự phụ Francis Leyau giải thích cặn kẽ như sau: “Đó là thuyết Ngũ Hành tính theo Lục Thập Hoa Giáp tuy được ra đời rất lâu nhưng việc sử dụng tên Nạp Âm là mãi vào thời Bắc Tống mới được sử dụng. Đó là do các thầy Phong Thủy thời đó dùng họ tên của gia chủ tính ra được ngũ hành gì, chủ yếu là dựa trên cách phát âm theo tiếng Quan Thoại, rồi dựa trên nguyên tắc Ngũ Hành tương sinh, khắc để khuyên gia chủ đặt mộ, phân kim theo đó. Họ lý luận rằng triều đình nhà Tống có âm đọc như chữ Tùng – tức hành Mộc nên do đó phải chọn mộ có tọa Bắc và hướng Nam vì Bắc thuộc Thủy và Nam thuộc Hỏa; Thủy và Hỏa là dụng thần của Mộc nên tốt cho dòng tộc nhà Tống”.
Do đó nên bản thân việc dùng Ngũ Hành Nạp Âm chưa hẳn là Phong Thủy chính thống mà cần phải hiểu rõ yếu quyết này. Do đó vòng 72 xuyên sơn long, có những phân kim cần phải đổi ngũ hành thì mới có thể sử dụng được; nhiều người của phái Tam Hợp lại không hiểu nên nhiều trường hợp của Tiểu Không Vong, Đại Không Vong hay phân kim Thổ, Thủy đều có thể làm được Phong Thủy mà không cần phải tránh né bất cứ phân kim nào. Vấn đề là cách thức chuyển đổi ngũ hành nạp âm trong 72 xuyên sơn long là bí mật và không phải ai cũng biết rõ.
Một vài lời khuyên cho những bạn muốn dịch, đọc sách Phong Thủy tiếng Hoa: tốt nhất là tự mình học tiếng Hoa, nhất là những từ ngữ ngày xưa cho chắc chắn chứ không nên dựa vào Google Translate hay đi thuê những người tốt nghiệp khoa tiếng Trung ở các trường đại học để dịch. Còn nếu muốn học nhưng ngại khó khi học tiếng Hán, thì tốt nhất chỉ nên nhờ người dịch rồi tự nghiên cứu; nếu lấy sách vở do người khác dịch rồi đem bán lấy lời, hay chia sẻ lung tung trên mạng thì đó cũng là hại người, về mặt Nhân Quả đó là “Làm thầy thì tự tạo nghiệp” cho mình.
Một vài chia sẻ,
Thầy Phong Thuỷ Nguyễn Thành Phương
Thành Viên Full Member Hiệp Hội Phong Thủy Quốc Tế IFSA
Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Kiến Trúc Phong Thủy - Academy of Feng Shui Applied in Architecture (AFSA)
Cố Vấn Cao Cấp công ty TNHH Tường Minh Phong Thuỷ (TMFS)
Gỉang Viên Chính Trung Tâm Tường Minh Phong Thuỷ
Gỉang Viên Hợp Tác Đào Tạo các chương trình Gíao Dục Kỹ Năng & Trực Tuyến như Sáng Tạo Việt, Topica, Unica, Ulearn, v.v…
4 Cách liên hệ để nhận trợ giúp từ Tường Minh Phong Thuỷ & chúng tôi sẽ phản hồi thông tin của quý vị trong thời gian sớm nhất.
Địa chỉ văn phòng: số 54, Đinh Công Tráng, Phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Tổng đài Số điện thoại: 08.6681.4141 – 0981.229.461
Hộp thư điện tử: tuvan@phongthuytuongminh.com
Form liên hệ: http://phongthuytuongminh.com/contact
Chuyên mục khác có thể bạn quan tâm: