Tôi viết bài này chắc chắn là hứng gạch đá nhiều từ cộng đồng các thầy phong thuỷ, nên tôi xin nói trước là chúng tôi chỉ xin nhận gạch tuynel, đá xanh Hoá An và nếu có thể hãy ném thêm vài bao xi măng để chúng tôi có thể xây nhà.
Tôi là một trong số ít người trong nước đầu tiên vác balô lên và đi nước ngoài học về phong thuỷ từ hơn 10 năm trước. Vài năm về sau thì phong trào sang nước ngoài học phong thuỷ mới rộ lên. Và khi sang giao lưu với các chuyên gia phong thuỷ bên nước ngoài, nhất là ở những nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh phổ biến thì họ quen gọi thầy phong thuỷ là Master phong thuỷ. Vì lẽ đó khi về nước thì tôi cũng theo thông lệ quốc tế mà gọi là Master Nguyễn Thành Phương để các đồng nghiệp ở nước ngoài nhận ra nhau.
Và về sau thì tôi phát hiện có rất nhiều điều thú vị xung quanh việc các thầy cũng đi học một vài khoá ở nước ngoài hoặc thậm chí chẳng đi học gì thấy từ Master này có gì đó cao sang nên cũng tự xưng. Vì thế về sau tôi chỉ ghi đơn giản là Nguyễn Thành Phương thôi, không danh xưng gì nữa cho mệt.
Chữ Master là do người Hoa ở các nước như Singapore, Malaysia gọi và điều hày hoàn toàn là do vấn đề ngôn ngữ dịch từ chữ Sư mà ra. Ở Việt Nam chúng ta quen gọi một số ngành nghề là Sư như Kiến Trúc Sư hay Kỹ Sư nhưng hoàn toàn lại không dùng chữ Thầy Kiến Trúc hay Thầy Kỹ Thuật. Tôi gặp vô số KTS trong đời hành nghề phong thuỷ của mình, và nhiều KTS tự nhận định công việc KTS là người vẽ thôi, không dám nhận là thầy của ai cả. Do đó từ Sư trong tiếng Việt cũng chỉ mang ý nghĩa là danh xưng công việc chứ không có nghĩa là tôn lên một cấp bậc nào cả. Đó là chưa kể hiện có nhiều người tự xưng là Sư Thầy Ông Nội kiểu như Tịnh Thất Bồng Lai thì danh hiệu Sư chuyên nghiệp như thầy cúng đám cũng không còn nhiều ý nghĩa tôn kính như ngày xưa. Tôi tin chắc rằng rất nhiều Phật Tử như tôi cũng ngán ngẩm trước tình trạng sư giả, sư fake như vậy.
Trong tiếng Hoa thì chữ Sư cũng không hề mang một ý nghĩa nào ghê gớm cả. Dành cho những bạn không biết thì Sư Phụ đọc theo âm Phổ Thông Shi Fu có đến 2 nghĩa: 1. 師父 Người thầy và là người cha của mình và 2. 師傅 Chỉ một người làm công việc nào đó đến mức chuyên nghiệp và rất giỏi trong nghề của mình.
Thực ra để một người học trò được phép gọi thầy của mình là Sư Phụ theo nghĩa là người thầy và là người cha thì rất khó khăn. Vì lẽ lúc này người thầy không chỉ giảng dạy về chuyên môn mà còn chịu trách nhiệm rèn luyện đạo đức, tu dưỡng tâm tính cho người học trò mà mình xem như con. Rất nhiều vị thầy của tôi ở nước ngoài chỉ xưng là Lão Sư, 老師 tức là chữ để chỉ người thầy chứ không chịu để học trò gọi mình là Sư Phụ. Vì lẽ nếu để gọi là Sư Phụ thì sau này khi người học trò có làm điều gì sai như tà dâm, lừa dối khách hàng, tham lam, vô đạo đức,...thì người Sư Phụ sẽ phải gánh cộng nghiệp chung. Ngày xưa, một người thầy địa lý trong đời chỉ dám nhận làm Sư Phụ của một vài học trò sau khi cân nhắc rất kỹ, ví như Dương Quân Tùng chỉ dạy cho 3 người là Tăng Văn Địch, Lưu Giang Đông và Liêu Kim Tinh; Tưởng Đại Hồng chỉ có Khương Diêu, hay như Chương Trọng Sơn chỉ dạy cho con cái trong nhà. Vì lẽ nghiệp rất nặng nếu người học trò làm sai nên cả đời họ hoàn toàn không dám nhận làm Sư Phụ của ai mà nếu có thể chỉ là giảng dạy chuyên môn mà thôi.
Trong quá trình giảng dạy tại TMFS, cũng có đôi khi học viên TMFS quen miệng gọi tôi là Sư Phụ 師父, nhân đây tôi cũng muốn nhắc để họ và cả tôi không cảm thấy ngại ngùng. Vì tôi cảm thấy bản thân mình cũng không có gì xứng đáng để gọi bằng một danh xưng trân trọng theo nghĩa đó.
Tuy nhiên, điều buồn cười là nếu bạn đi đến các nước nói tiếng Hoa thì họ cũng gọi những người đầu bếp nấu ăn, tài xế taxi hoặc bất kỳ ai làm công việc chuyên nghiệp là Sư Phụ 師傅. Từ này trong tiếng Hoa cũng phát âm là Shi Fu y chang như từ kia, không có gì khác biệt.
Và chính từ Sư Phụ này được người Hoa ở Singapore và Malaysia dịch ra là Master.
Master ở đây bao hàm nghĩa là Phong Thuỷ Sư tức một người thực hành phong thuỷ chuyên nghiệp, cũng giống như Kiến Trúc Sư hay Kỹ Sư. Master không có nghĩa là Thạc Sĩ như học hàm học vị chính thức như kiểu Bachelor là Cử Nhân, Doctor là Tiến Sĩ,...
Vậy mà có vị học ở trường dạy phong thuỷ ở Malaysia lại về tự xưng là mình có bằng Tiến Sĩ Phong Thuỷ. Hay cố tình dịch học viện phong thuỷ (một danh xưng vô thưởng vô phạt ở nước ngoài và không có giá trị được bảo chứng về mặt giáo dục chính thống như Đại Học) thành Đại Học Phong Thuỷ. Kỳ thực danh từ Academy chỉ là một nơi giảng dạy chuyên nghiệp cũng giống như một công ty giảng dạy chứ không phải được nhà nước hay bộ giáo dục nào công nhận cả. Ở các nước Châu Á thì Phong Thuỷ được trân trọng, hợp pháp tuy nhiên cũng không đến mức được nhà nước hay bất kỳ chính phủ nào xếp vào dạng đào tạo chính quy theo kiểu chuyên tu 4-5 năm nên Cử Nhân Phong Thuỷ cũng không có chứ đừng nói đến Thạc Sĩ hay Tiến Sĩ Phong Thuỷ.
Tôi lại nghe có người nói rằng bằng Master Phong Thuỷ được cấp bởi nước ngoài hay có vị nói rằng họ được Đài Loan cấp cho bằng Tiến Sĩ Phong Thuỷ. Kỳ thực, tất cả những điều dối trá lừa gạt chỉ phỉnh được người ngốc chứ về lâu dài trong thời đại Internet mà tất cả chỉ cần biết một chút tiếng Anh, tiếng Hoa là có thể tra cứu bằng Google thì lừa dối được bao lâu.
Hi vọng bài viết nhỏ nhoi này cảnh báo được cho nhiều người kẻo bị lừa bởi nhiều người tự xưng mác Mác Tơ Phong Thuỷ. Dưới ánh sáng mặt trời chân lý của vận 9, hi vọng tất cả đều sẽ sáng rõ.
Một vài chia sẻ,
Nguyễn Thành Phương