Nguyên tắc Phong Thủy trong kiến trúc Bệnh Viện
18/10/2022

Bệnh Viện là nơi rất cần xét yếu tố Phong Thủy. Là nơi dưỡng sức khỏe cho người ốm, nặng thập tử nhất sinh trở thành khỏe mạnh, đầy sinh khí để xuất viện, trở lại với xã hội tiếp tục đóng góp sức mình do đó việc thiết kế bệnh viện không thể nào xem nhẹ yếu tố Phong Thủy.

Bài viết này nhằm gợi mở một số góc nhìn, quan điểm của chúng tôi về việc thiết kế, xây dựng bệnh viện đúng theo Phong Thủy Hiện Đại nhằm giúp ích cho công cuộc phát triển sức khỏe cộng đồng tốt hơn.

Trước tiên trong Phong Thủy xét nặng đến 2 lý thuyết căn bản là Âm Dương và Ngũ Hành.

Âm Dương 2 mặt chính là Âm – yếu đuối, bệnh tật, mệt mỏi còn Dương chính là khỏe mạnh, yêu đời, miễn dịch tốt.

Trong 4 hướng chủ đạo nền tảng của Phong Thủy là Đông, Tây, Nam, Bắc thì Tây và Bắc chính là Âm; còn Nam và Đông chính là Dương. Do đó để cho yếu tố sức khỏe của bệnh nhân và bác sĩ được tốt thì những vị trí tốt nhất nhằm đón Khí trong bệnh viện phải được đặt tại nơi nhiều Dương Khí. Đó chính là hướng của bệnh viện, cổng cửa ra vào chính của bệnh viện. Tức là hướng của bệnh viện tốt nhất là hướng Đông hoặc Nam.

Tại sao Nam và Đông lại tính là Dương? Hướng Đông chính là nhìn về nơi mặt trời mọc, vầng Thái Dương chính là Bính Hỏa ấm áp cung cấp năng lượng cho sự sống trên toàn bộ trái đất. Người Trung Hoa quan niệm rằng bất cứ nơi nào đón ánh nắng mặt trời đến thì bệnh tật, ma quỷ sẽ bị xua tan. Mặt trời buổi sáng theo khoa học chứng minh rằng có lợi cho việc tổng hợp vitamin K giúp cơ thể khỏe mạnh, giúp cho trẻ em phát triển xương cứng cáp chắc chắn; bất cứ cây cối nào phát triển ở những nơi thiếu sáng như rừng sâu âm u, hang động tối tăm (như hang Sơn Đoòng) thì đều có xu hướng ngả về nơi nhiều ánh sáng.

Còn hướng Nam là vì nếu xoay mặt về hướng Nam tức mặt trời đến từ phía tay trái tức phía Dương Thanh Long Mộc Khí vào buổi sáng đại diện cho mùa xuân cây cối nẩy mầm tươi tốt, sự sống phát triển. Phía tay phải là Âm Bạch Hổ đại diện cho chiều tà hành Kim tức sự sống suy tàn chuẩn bị mất đi theo mặt trời lặn. Do đó trong dân gian hay gọi là Nam Tả Nữ Hữu.

Hướng Bắc cũng là 1 hướng tốt để lựa chọn đó là vì “Nam Bắc Phụ Mẫu Càn Khôn” là hướng chính, trục của vượng khí Tý Ngọ trải nhiều đời ít thăng trầm.

Xét những bệnh viện lớn nổi tiếng trong điều trị “mát tay” ở Sài Gòn đều tuân thủ theo nguyên tắc này. Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhìn về hướng Nam. Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương hướng Nam. Bệnh viện Đại Học Y Dược và trường Đại Học Y Dược nhìn về hướng Bắc. Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn về hướng Bắc.

Đó là mới xét về hướng. Riêng về vị trí lô đất được chọn để đặt bệnh viện cũng phải nằm ở khu vực có long mạch tốt, địa khí vượng giúp cho năng lượng hấp thu và lan tỏa cho bệnh nhân mau khỏe mạnh trở lại. Khu vực Bệnh Viện Nhi Đồng 1 chính là Trường Sinh Long nên giúp ích cho việc chữa trị cho trẻ con. Khu vực Bệnh Viện Phụ Sản Hùng Vương thì ngược lại là nằm ở Thai Long nên việc chăm sóc cho sản phụ rất tốt. Bệnh Viện Chợ Rẫy lại là nằm ở Dưỡng Long nên giúp ích nhiều cho các ca cấp cứu, khó chữa trị nên mau chóng trở thành 1 trung tâm đa khoa tập hợp nhiều chuyên gia y tế hàng đầu của cả miền Nam. Nếu như vô tình sắp xếp sai vị trí thì có khi đã không hình thành được những trung tâm y tế hàng đầu như hiện nay. Ví như khu vực Sư Vạn Hạnh hay chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, Hồ Kỳ Hòa vốn chỉ phù hợp cho những trung tâm giải trí, ăn uống, hotel, nhà hàng…mà đặt Bệnh Viện Nhi Đồng ở đây thì không thể phát huy năng lực tối đa. Vì bài viết này dành cho số đông nên chúng tôi sẽ viết thật đơn giản, phần địa lý long mạch này chỉ nhắc sơ qua cho người đã biết sâu.

Ngoài ra thì việc thiết kế bố trí bệnh viện cũng cần phải cân nhắc các vị trí đặt phòng chức năng. Như khu vực bếp ăn, canteen thì chắc chắn phải đặt tại khu vực Thực Thần vì như lương y Hải Thượng Lãn Ông có nói “Bệnh tòng khẩu nhập” do ăn uống mà mắc phải bệnh nên đối với người bệnh lại càng phải cẩn trọng. Khu vực nhà thuốc, kho thuốc bệnh viện chắc chắn không được phép đặt tại nơi Ngũ Nhị Thổ Khí mà cần đặt tại nơi có vượng khí nhân đinh.

Các khu vực như Thất Sát, Liêm Trinh tuyệt đối phải dùng làm nơi đặt rác y tế, hầm cầu, toilet hay bãi giữ xe chứ không thể dùng làm nơi đặt phòng bệnh nhân nội trú hay phòng phẫu thuật vì sẽ gây ra nhiều nhầm lẫn chết người. Các khu vực có nhiều máy móc như máy chụp X-Quang, CT… cần phải đặt ở những nơi có năng lượng tốt vừa để đảm bảo máy móc hoạt động chính xác, không dễ bị hư hỏng, trục trặc vì dễ cho ra những kết quả sai lầm.

Lối đi hành lang trong bệnh viện vốn thường được thiết kế quá kín, lại có máy điều hòa trong các phòng nên các bệnh dễ lây nhiễm qua qua đường hô hấp, không khí dễ bị lẩn quẩn khiến lây nhiễm chéo, cần phải được làm sạch không khí, vệ sinh phòng ốc. Thực ra thì nếu như bố trí các cửa sổ có tiếp nhận ánh nắng mặt trời cũng sẽ giúp cho việc “thanh lọc không khí” diễn ra tốt hơn vì như đã nói thì không gì tốt bằng vầng Thái Dương. Chỉ trong trường hợp không thể tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên miễn phí tuyệt vời này mới nên dùng các đèn đá muối, máy lọc không khí để giúp tạo ra nhiều ion dương có lợi cho sức khỏe.

Do đó việc thiết kế phòng bệnh nhân tốt nhất nên sử dụng nhiều chất liệu kính và xoay cửa sổ kính về phía Đông, Nam để đón Dương Khí vào nhiều, rất có lợi cho sức khỏe. Việc bố trí cửa sổ ở góc Tây, Tây Nam là điều cần tuyệt đối tránh vì ánh nắng ban chiều tượng trưng cho Âm Hỏa Kim chỉ khiến ngươi ta bức bối, mệt mỏi thêm chứ không có lợi.

Phòng bệnh nội trú cũng cần tránh đặt TV vì đây là vật dụng điện tử phát ra nhiều sóng điện từ, không có lợi cho sức khỏe, nhất là bệnh nhân là người có sức khỏe yếu, dễ nhạy cảm với tác động môi trường xung quanh. Bệnh nhân mệt mỏi nếu muốn giải trí thì chỉ nên đọc sách, nói chuyện, nghe nhạc nhẹ hoặc vận động tay chân. Nhiều bệnh viện ở nước ngoài còn cấm bệnh nhân sử dụng điện thoại di động vì ít nhiều sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi sóng vô tuyến, nếu cần thiết thì cho phép dùng điện thoại có dây.

Vị trí đặt máy điều hòa (cục nóng, cục lạnh), quạt máy, quạt hút … cũng rất quan trọng vì đây là những vật tạo ra khí lưu chuyển mạnh, nếu đặt sai chỗ sẽ dẫn đến nạp khí xấu vào phòng, hút khí tốt ra ngoài.

Việc đặt giường của bệnh nhân cũng vậy. Đối với người thường thì nghỉ ngơi 8 tiếng/ngày cũng đã rất quan trọng huống hồ người bệnh suốt ngày chỉ nằm trên giường; nếu như nằm sai chỗ sẽ dẫn đến lúc đầu nhập viện bệnh chỉ xoàng; càng ở lâu bệnh càng trầm trọng hơn. Khi đến thăm bạn bè, người thân đang điều trị ở bệnh viện, tôi thường xét cả phong thủy của phòng bệnh đó mà chỉ ra vị trí góc giường tốt hơn (giả sử phòng tập thể có nhiều giường), thường là vị trí phải tránh những điểm sai cơ bản như đặt ngay cạnh cửa ra vào, nhìn thẳng cửa toilet,…Nhất là những vị trí giường bệnh nào mà có sao xấu lưu niên theo năm chiếu đến thì càng cần phải tránh né như năm 2015 thì giường ở góc Tây hay Đông Nam, Tây Bắc thì không nên nằm.

Người bệnh nên nằm ở cung Thiên Y, Bác Sĩ sẽ tốt cho sức khỏe. Cần tránh Tuế Phá, Thái Tuế, Cẩu Vỹ, Tử Phù….Ngoài ra thì nên chọn nằm theo hướng tốt của bản thân tuổi mình (xét theo Bát Trạch) hoặc xét theo hướng vượng khí (xét theo Huyền Không), đầu hướng về các hướng của Chính Thần Huyền Không: Đông Bắc, Tây, Tây Bắc, Bắc là rất tốt cho sức khỏe. Có một số nhà khoa học nói là cần nằm theo trục từ trường Trái Đất Bắc – Nam vì cho rằng đây là hướng đi của từ trường Trái Đất. Kỳ thực thì đây chỉ là thông tin lý luận theo khoa học chứ không phải thuật phong thủy, vì chẳng lẽ tất cả các nhà trên trái đất có hướng Đông, Tây hay Tây Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam thì bố trí giường ngủ như thế nào để theo trục Bắc – Nam, chẳng lẽ đặt giường ngủ xéo? Cần biết rằng phong thủy chính là khoa học để xét từ trường khu vực nhỏ tác động đến cá nhân con người như thế nào vì con người là Tiểu Vũ Trụ bị ảnh hưởng gần hơn bởi từ trường khu vực xung quanh mình chứ không phải xét theo cả hành tinh lớn. Thông tin trên chỉ để tham khảo, nếu có điều kiện (như nhà, phòng ngủ hướng Bắc Nam) thì áp dụng, không thì cũng không sao.

Nên đặt một số cây trồng trong nhà có tác dụng thanh lọc không khí ở các lối đi, hành lang, phòng khám chữa bệnh để tăng cường lượng O2 có lợi. Tựa như người bệnh được hấp thu lượng Oxy sạch mà không cần sử dụng bình Oxy nén. Một trong những cây trồng tốt cho việc trao đổi Oxy là cây trúc; với cấu tạo nhiều đốt rỗng, sinh khối lớn nên có lợi cho việc tạo ra Oxy cần thiết cho sức khỏe người bệnh.

Việc trồng cây trong không gian bệnh viện cũng cần phải lưu ý không nên trồng cây quá dày, quá âm u tại một số khu vực, nếu như gặp những năm có sao lưu niên Ngũ Hoàng, Nhị Hắc, Lực Sĩ, Đại Tướng Quân, Bệnh Phù, Tử Phù, Tai Sát…. chiếu đến càng nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân.

Ngoài ra thì cũng cần tạo những giếng trời, hồ nước ở những nơi tập trung đông bệnh nhân và người nhà đến khám chữa bệnh để điều hậu không khí, tạo thông khí, đối lưu giúp cho nhiệt độ môi trường mát mẻ mà giảm đi sự lo âu, khó chịu, căng thẳng do bệnh viện chật chội, quá tải, nhất là trong mùa hè nóng bức dễ phát sinh thêm bệnh tật. Tuy nhiên việc đặt thác nước, hồ cá tại đâu cần phải được tư vấn Phong Thủy cẩn thận vì Thủy là 1 trong 2 yếu tố cốt lõi của Phong Thủy – Gió và Nước.

Một trong những bệnh viện được bố trí Phong Thủy khá tốt là bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đây bố trí Minh Đường khá rộng phía trước, Thanh Long mạnh mẽ nhưng lại không hề có Bạch Hổ, vốn không cần thiết tại nơi khám chữa sức khỏe vì sẽ không tốt cho bệnh nhân. Bệnh viện dĩ nhiên tốt nhất là phải nằm ở mảnh đất vuông vắn vì sẽ hấp thu khí từ 4 phương, 8 hướng mà không hề khuyết 1 góc nào.

Tuy nhiên, nếu phải chọn mảnh đất bị khuyết thì tốt nhất là vị trí khuyết hãm phải nằm ở những góc xấu để nhằm loại bỏ những trường năng lượng xấu, không có lợi cho sức khỏe con người. Đó là trường hợp Bệnh Viện Nhi Đồng 1, nằm trên mảnh đất hình tam giác. Đất hình tam giác vốn chỉ có lợi cho nơi thờ phượng tâm linh như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ góc ngã 3 Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương vì đây là mảnh đất góc nhọn hành Hỏa nên phù hợp với tôn giáo.

Tuy nhiên trường hợp Bệnh Viện Nhi Đồng 1 lại là 1 trường hợp Phong Thủy xuất sắc trong đó nơi bố trí cổng cửa ra vào là đón khí vượng nhất, những khu vực xấu như Tử, Mộ, Tuyệt đều rơi về phía góc khuyết, bãi giữ xe và là nơi cổng xe chạy ra và cách xa khu vực cổng xe chạy vào và người đi bộ vào nên tuân thủ đúng nguyên tắc Khí tốt nạp vào, Khí xấu chảy đi; Cát Thủy Lai, Hung Thủy Khứ.

Ngoài ra thì bệnh viện là nơi nhiều người ra vào, khỏe mạnh, đau yếu, người mất tại đây nên việc bố trí nhà vĩnh biệt, nhà xác hay nơi đặt tượng thờ cũng phải cần xem xét kỹ. Nên đặt tượng các vị thần linh, thánh thần của một số tôn giáo tại nơi có nhiều cây cối râm mát, tính Âm nhiều, để vừa là nơi người có tín ngưỡng cầu nguyện xin cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật mau khỏi vừa là nơi người ta lắng lòng, nghỉ ngơi, tâm sự nói chuyện với người nhà cho nhẹ nhõm đầu óc.

Qua đó, có thể thấy được nếu bố trí Phong Thủy hợp lý cho những bệnh viện, trung tâm điều trị sức khỏe thì có thể góp phần xây dựng nền y tế chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Một vài điều chia sẻ

Thầy Phong Thuỷ Nguyễn Thành Phương

Thành Viên Full Member Hiệp Hội Phong Thủy Quốc Tế IFSA

Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Kiến Trúc Phong Thủy - Academy of Feng Shui Applied in Architecture (AFSA)

Cố Vấn Cao Cấp công ty TNHH Tường Minh Phong Thuỷ (TMFS)

Gỉang Viên Chính Trung Tâm Tường Minh Phong Thuỷ

Gỉang Viên Hợp Tác Đào Tạo các chương trình Gíao Dục Kỹ Năng & Trực Tuyến như Sáng Tạo Việt, Topica, Unica, Ulearn, v.v…

4 Cách liên hệ để nhận trợ giúp từ Tường Minh Phong Thuỷ & chúng tôi sẽ phản hồi thông tin của quý vị trong thời gian sớm nhất.

Địa chỉ văn phòng: số 54, Đinh Công Tráng, Phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Tổng đài Số điện thoại: 08.6681.4141 – 0981.229.461

Hộp thư điện tử: tuvan@phongthuytuongminh.com

Form liên hệ: http://phongthuytuongminh.com/contact

Chuyên mục khác có thể bạn quan tâm: