Trung Quốc là một trong những đất nước có nền văn hóa lịch sử lâu đời nhất thế giới. Đặc biệt chế độ phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm đã có ảnh hưởng to lớn tới đời sống tín ngưỡng, văn hóa của đất nước này. Theo dõi bài viết dưới đây để cùng Phong Thủy Tường Minh tìm hiểu đôi nét về Triều đại nhà Thanh và những bí mật suy vượng trong lịch sử Trung Quốc lúc bấy giờ.
Nhà Thanh là một triều đại do dòng họ Ái Tân Giác La ở Mãn Châu thành lập vào đầu thế kỷ 17. Khi đó, Mãn Châu là một địa danh nằm tại phía bắc bán đảo Triều Tiên và phía Đông Bắc Trung Quốc. Hiện nay, vùng đất này bị phân chia giữa khu vực Viễn Đông Nga với Đông Bắc Trung Quốc. Nhà Thanh cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc và Mông Cổ.
Triều đại này từng được tộc người Nữ Chân, đứng đầu bởi Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng với quốc hiệu Đại Kim vào năm 1616 tại Mãn Châu - sử sách gọi là nhà Hậu Kim. Cho đến năm 1636, Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu thành Đại Thanh, và mở rộng lãnh thổ vào lục địa Đông Á cũng như các khu vực xung quanh.
Thanh mang ý nghĩa là thanh khiết, biểu hiện những tham vọng đối với vùng Mãn Châu. Cái tên Thanh được lựa chọn bởi vì tên của nhà Minh (明) được cấu thành từ các ký hiệu của chữ nhật日(mặt trời) và nguyệt 月 (mặt trăng), đều liên quan tới Hỏa Mệnh. Đối với chữ Thanh (清) được cấu thành từ bộ thuỷ 水 (nước) và từ chỉ màu xanh (青) đều mang Mệnh Thuỷ. Vì theo thuyết Ngũ Hành, Thủy khắc Hỏa ám chỉ việc nhà Thanh sẽ đánh tan toàn bộ nhà Minh.
Vì thế mà trong một loạt những chiến dịch quân sự, Hoàng Thái Cực đã khuất phục được vùng Nội Mông và Triều Tiên trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát vùng Hắc Long Giang. Đồng thời, nhà Thanh đã chinh phục và trở thành triều đình cai trị của: Trung Quốc (1644-1659), Đài Loan (1683), Mông Cổ (1691), Tây Tạng (1751), Tân Cương (1759); hoàn thành cuộc chinh phục của người Mãn Châu.
Trong thời gian trị vì nhà Thanh đã củng cố quyền quản lý của họ với Trung Quốc và đạt đến tầm ảnh hưởng cao nhất của đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của họ đã giảm sút trong thế kỷ 19 và phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài, nhiều cuộc nổi loạn và những thất bại trong chiến tranh.
Nhà Thanh suy thoái từ sau thế kỷ 19 và bị lật đổ sau cuộc cách mạng Tân Hợi khi hoàng hậu nhiếp chính khi ấy là Hiếu Định Cảnh hoàng hậu, đối mặt với nhiều sự phản kháng buộc phải thoái vị nhân danh vị hoàng đế cuối cùng, Phổ Nghi, ngày 12 tháng 2 năm 1912.
Nguồn sức mạnh trường kì của nhà Mãn Thanh không dừng lại ở cái tên mang Ngũ Hành tương khắc mà còn bắt nguồn từ Phong Thủy của dãy Trường Bạch hay còn gọi là Núi Khởi Vận /Thái Bạch Sơn/ Bạch Đầu Sơn/ núi Paektu. Đây là một ngọn núi dạng núi lửa cao 2744 m nằm giữa biên giới giữa Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Trung Quốc.
Núi Bạch Đầu là đỉnh cao nhất trong dãy Trường Bạch và cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu Bạch thuộc về Đại Cán Long thuộc Bắc Long, một trong Tam Đại Long Mạch của Trung Quốc. Chính từ dãy núi này mà xuất phát tạo nên kỳ tích phong thuỷ cho triều đại Mãn Thanh và dòng họ Kim tại Bắc Triều Tiên.
Nếu ai đã tìm hiểu qua kiến thức Phong Thủy thì không lạ với câu nói “Sơn Quản Nhân Đinh” nghĩa là núi non quản lý về nhân đinh bao gồm số lượng, sức khỏe, tư chất và phẩm chất tốt đẹp của những nam nhân trong khu đất/căn nhà. Sơn có tính chất bền vững, tĩnh tại ổn định là nơi cư trú an toàn và lý tưởng. Nhờ đó, con người sinh sôi, phát triển mạnh mẽ về nhân số, khỏe mạnh và trưởng thành.
Trong thuật Phong Thuỷ Âm Trạch thì khu vực chôn cất nếu có Long Mạch đến từ Ngũ Tinh thì sẽ giúp tạo nên một vị trí Chân Long Huyệt Đích Thuần Hành.
Khu vực Núi Trường Bạch thuộc về Liêm Trinh Tinh, là loại núi duy nhất trong Ngũ Tinh có thể sản sinh ra các bậc Đế Vương. Trên đỉnh núi lại có một hồ nước tự nhiên lớn, gọi là hồ Thiên Trì, nằm trong một hõm chảo núi lửa. Theo sự tính toán của các nhà khoa học thì hõm chảo được hình thành bởi vụ phun trào VEI 7 "Thiên niên kỷ" hoặc "Tianchi" năm 946 phun trào khoảng 100-120 km3 (24-29 cu mi) của mạt vụn núi lửa. Đây là một trong những vụ phun trào lớn nhất và dữ dội nhất trong 5.000 năm qua. Vì thế, huyệt Liêm Trinh tại Dãy Trường Bạch nếu có tồn tại Thiên Trì Hồ thì tức là đạt được cách cục Long Dừng Khí Tụ.
Vào năm 1582, vị tướng trẻ Nỗ Nhĩ Cáp Xích cùng lúc mất đi cả cha và ông nội trong một trận chiến. Với trách nhiệm là con trai cả, Nỗ Nhĩ Cáp Xích phải tìm được nơi chôn cất cho cha và ông nội. Ông mang theo hũ tro cốt của cha và ông nội, một mình một ngựa rong ruổi nhiều ngày liên tiếp đi dọc dãy núi Trường Bạch để tìm nơi lý tưởng đế chôn cất. Tuy nhiên mãi mà vẫn chưa tìm được nơi nào ưng ý.
Cho đến một ngày nọ, khi lương thực đã cạn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định dừng chân ở phía trước một ngôi làng nhỏ để vào làng xin lương thực và chỗ nghỉ ngơi. Vốn dĩ vì mang theo hũ tro cốt, vốn là điều cấm kỵ khi đến nhà người khác nên Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhìn xung quanh ở gần đó thì phát hiện có một thân cây to lớn. Cây to này có cành lá xum xuê và 3 nhánh lớn tạo thành hình chạc ba, cách mặt đất khoảng một mét để đặt hũ tro cốt.
Ông tin rằng với vị trí cao, có nhánh cây hình chạc ba chắc chắn thì sẽ giữ được hũ tro cốt không bị đổ vỡ hay thú vật tấn công. Tuy nhiên ngay khi ông vừa vào làng thì một trận giông tố sấm sét nổi lên, và suốt 3 ngày liên tiếp trời mưa như trút nước khiến cho ông không thể trở ra ngay được. Ngay khi mưa vừa dứt thì Nỗ Nhĩ Cáp Xích vội vã chạy ra khu vực cây to, sợ rằng hũ cốt đã bị rơi vỡ. Trái ngược với sự lo lắng của ông, các cành lá có vẻ như là bao quanh, quấn chặt lấy hũ tro cốt khiến cho ông không thể lấy hũ tro để đi tiếp hành trình.
Lúc này, ông dồn hết sức vào thanh gươm để chặt các nhánh cây bao xung quanh. Kinh ngạc khi ông nhìn thấy các nhánh cây lần lượt chảy nhựa có màu đỏ và mùi tanh như máu. Quá sợ hãi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tức tốc chạy vào làng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các thầy phong thuỷ.
Vị thầy Phong Thuỷ sau khi quan sát thật kỹ thì phát hiện ra vị trí của cái cây này thực chất là một huyệt trời cho với lai long dẫn đến từ núi Khởi Vận ở đằng sau. Núi Khởi Vận là một đỉnh đến từ dãy Trường Bạch, thế mạch hùng vĩ chạy dài trên 120 km từ thành phố Thẩm Dương, khí thế ùn ùn không ngớt. Núi Khởi Vận mang một tên gọi may mắn, biểu thị khởi đầu một vận mới tươi sáng và bản thân ngọn núi này cũng được tính là Sinh Long khi quanh năm núi luôn luôn có nhiều cây cỏ xanh tươi mọc bên trên.
Núi Khởi Vận cũng bao gồm 12 đỉnh. Trong Phong Thuỷ Âm Trạch thì mỗi đỉnh núi biểu thị cho sự kéo dài của triều đại được bao nhiêu đời. Và điều này cũng được chứng minh khi triều đại Nhà Thanh kéo dài đúng 12 đời với 3 đỉnh cao nhất lại trùng hợp với thời kỳ đỉnh thịnh của ba vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi và Càn Long.
Có thể thấy, kể từ sau Gia Khánh đế, triều đại nhà Thanh dần dần tàn lụi, nếu quan sát đỉnh núi cuối cùng có thể nói không thấy đỉnh đâu, dân gian giải thích đó chính là đỉnh của Vong Quốc Chi Quân và vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Thanh – Phổ Nghi.
Phía trước mặt lại có núi Yên Đồng, tạo thành một cách cục đặc biệt trong Phong Thuỷ là thế Hồi Long Cố Tổ - tức con rồng xoay về phía tổ. Nơi đây trái thì có Thanh Long, phải lại có Bạch Hổ.
Ngoài ra lại còn được sông Tô Tử tạo thành cách cục thuỷ pháp Ngọc Đới Hoàn Yêu vốn tốt cho huyệt Đế Vương. Ba con sông: Nhị Đạo, Thác Thảo và Tô Tử tạo thành thế cục Tam Thuỷ Nhập Khố (ba dòng nước hội tụ đem tài lộc cất vào trong kho) giúp cho con cháu có thể trở nên giàu có.
Dân gian lưu truyền rằng, người Mãn có thể vào Trung Nguyên, tộc người Ái Tân Giác La có thể nắm thiên hạ, đều có mối quan hệ mật thiết với phong thủy của khu Mộ Tổ - Vĩnh Lăng. Vĩnh lăng được mệnh danh là “Quan Ngoại Đệ Nhất Lăng”, là tổ lăng của Hoàng đế Đại Thanh Ái Tân Giác La Thị Tộc, cũng là lăng tẩm có liên quan nhiều đến truyền thuyết long mạch nhất.
Càn Long là Hoàng đế cai trị lâu nhất. Thời kỳ trị vì của Càn Long kéo dài 60 năm. Khi ông thoái vị truyền ngôi cho con không phải là do qua đời hay sức khỏe quá suy yếu mà chỉ là do ông không muốn vượt quá số năm trị vì của ông nội Khang Hi (61 năm), người mà Càn Long vô cùng kính trọng.
Sau những thành tựu mà triều đại nhà Thanh đạt được, Càn Long trở thành vị vua vang danh Trung Hoa không chỉ trong quá khứ mà còn hậu thế sau này. Nhưng tại sao thời thịnh trị của nhà Mãn Thanh lại chỉ đến Hoàng Đế Càn Long, còn sau đó hoàn toàn suy thoái?
Điều này một phần đến từ quyết định gây tranh cãi của Hoàng Đế Càn Long. Vốn dĩ là một vị vua có tuổi thọ cao nhất, tài năng, hào hoa, giỏi giang tất cả mọi lĩnh vực từ cầm kỳ thi hoạ đến cầm quân, triều chính,… Càn Long giữ cho mình một sự tự tin rất cao.
Ông cho rằng thuật Phong Thuỷ Địa Lý sẽ không tương ứng với số mệnh của ông nên ông yêu cầu phải chọn phân kim xấu nhất về Phong Thuỷ để chứng minh cho hậu thế thấy rằng Càn Long là người vượt khỏi mọi định luật thông thường.
Thanh Dụ Lăng - Lăng của Hoàng Đế Càn Long
Như vậy, mặc dù Dụ Lăng - lăng của Hoàng Đế Càn Long được các thầy địa lý phong thuỷ hoàng gia ra sức chọn lựa tính toán ở nơi phong thuỷ bảo địa, tuy nhiên một quyết định ngạo mạn của Càn Long là cố tình cho xây dựng bia mộ toạ Hợi Nhâm, hướng Tỵ Bính, tức thuộc Đại Không Vong giữa hướng Nam và Đông Nam.
Điều này phạm vào Phong Thuỷ Cấm Kỵ Hàng Đầu nên sau thời Càn Long, triều nhà Thanh bắt đầu suy bại, và cuối cùng kết thúc vào năm 1912 với Hoàng Đế cuối cùng là Phổ Nghi.
Hi vọng rằng với một vài chia sẻ như trên đã giúp cho bạn đọc hiểu được nguyên nhân thịnh vượng và suy tàn của triều đại Mãn Thanh.
Một vài chia sẻ,
Nguyễn Thành Phương