Người Trung Hoa cũng quan niệm rằng có ba việc được xem là đại hỉ sự: thi đỗ, kết hôn và sinh con trai. Tuy nhiên, ngày nay thì có những việc không còn quá quan trọng như việc thi đỗ hay sinh được con trai.
Có nhiều truyền thống gắn với lễ cưới Trung Hoa xuất phát điểm từ Đạo Khổng và ban đầu được tầng lớp tri thức quan lại tuân thủ theo. Bắt đầu từ thời nhà Chu (từ năm 1046 - 256 trước Công Nguyên) thì mới được tầng lớp bình dân noi theo và thực hành cho đến tận ngày nay.
Trong thời gian rất dài thì hôn nhân tại Trung Quốc luôn luôn là hôn nhân được sắp đặt sẵn. Kết hôn dựa trên tình yêu hoàn toàn không được phép cho đến tận cuối những năm 1920. Bố mẹ hai bên gia đình sẽ tự dàn xếp mọi việc thay mặt cho cô dâu và chú rể. Những thành viên trong gia đình đôi khi còn cầu nguyện với tổ tiên đã khuất để xin lời khuyên đối với những việc hệ trọng trong quá trình cưới hỏi.
Trong lịch sử Trung Hoa thì phụ nữ thường có địa vị xã hội thấp hơn đàn ông và do đó yêu cầu của bên nhà trai thường được đánh giá cao hơn. Do đó, gia đình nhà trai cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ một cuộc hôn nhân sắp xếp sẵn. Theo quan điểm cổ hủ thì con gái sau khi được gả đi sẽ được xem là con gái của nhà người ta và không còn là con cái của nhà gái. Chỉ có ngoại lệ là khi người phụ nữ cưới một người đàn ông có địa vị xã hội thấp hơn họ, nhưng điều này thường là hiếm gặp ở xã hội phong kiến Trung Hoa.
Một đám cưới truyền thống thường sẽ được chia làm 3 giai đoạn và 6 lễ gọi chung là Lục Lễ. Lục Lễ bao gồm Nạp Thái 納采, Vấn Danh 問名, Nạp Cát 納吉, Nạp Trưng 納徵, Thỉnh Kỳ 請期 và Thân Nghênh 親迎.
Giai đoạn 1: Giai đoạn trước lễ cưới gồm rất nhiều nghi thức nhỏ. Đầu tiên là Nạp Thái (tức cầu hôn), sau đó, đến giai đoạn Vấn Danh (tức thương thảo về lễ vật) và Phụng Trà (tức lễ uống trà).
Vào thời xưa, trước khi tiến hành lễ cưới thì trước tiên phải Vấn Danh, còn gọi là Nghi Hôn. Trong Nghi Hôn thì quan trọng nhất là “Bài Bát Tự” 排八字. Thường nam nữ nếu có gặp nhau từ trước mà cảm thấy thích nhau thì phía nam giới sẽ nhờ người mai mối đến nhà cô dâu để xin lá số bát tự (tức năm tháng ngày giờ sinh của cô gái). Nhà cô gái cũng sẽ xin lá số bát tự của chàng trai để xem xét trả lời.
Sau khi có được lá số Bát Tự cô gái thì nhà trai đặt lên trước bài vị tổ tiên để xin quẻ bói cát hung xem tổ tiên có đồng ý chấp nhận cháu dâu hay không. Tục là sau khi đặt lên ban thờ tổ tiên mà trong vòng 3 ngày gia đạo đều bình an vô sự có nghĩa là bát tự của cô dâu đó phù hợp.
Nếu gia đình nhiều tiền sẽ nhờ thầy xem Bát Tự để chấm xem điểm hợp hoặc xung giữa hai lá số với nhau.
Sau khi nhà cô dâu cũng đi xem thầy và thấy hợp ý thì sẽ viết bát tự của cả cô dâu và chú rể lên cùng một tờ giấy, gửi về cho nhà trai, nếu không đồng ý kết hôn thì sẽ gửi lá số bát tự của chú rể về lại cho nhà trai.
Sau đó là giai đoạn đính hôn gọi là Nạp Cát, Nạp Trưng và Thỉnh Kỳ (chọn ngày giờ rước dâu).
Giai đoạn 2: Giai đoạn lễ cưới bao gồm ba nghi thức quan trọng.
Tối trước khi hôn lễ, gia đình nhà trai sẽ bái lạy tổ tiên và lắp đặt giường. Sau khi an vị giường mới xong thì cho một bé trai nằm lên trên để hi vọng sớm sinh được con trai. Hoặc là cho nam thanh niên chưa vợ tuổi Rồng hoặc tuổi Tỵ nằm lên lăn lên mấy vòng để hi vọng sớm sinh quý tử.
Đến ngày hôn lễ, chúng ta sẽ có Nghi thức rước dâu (gọi là Thân Nghênh); Bái Thiên Địa và cuối cùng là Tiệc Rượu.
Giai đoạn 3: Giai đoạn sau lễ cưới sẽ ít nghi thức nhất. Bao gồm một nghi thức gọi là Quay Về Nhà (gọi là Phản Gia) và kết thúc là Tiệc Trà (gọi là Khiết Trà).
Các nghi thức cưới hỏi truyền thống được gọi chung là Tam Thư Lục Lễ và được ghi trong sách về nghi thức gọi là Lễ Kí, Nghi Lễ và Bạch Hổ Thông Đức Luận. Gọi là Tam Thư và Lục Lễ là vì hai giai đoạn đầu phải bao gồm 6 nghi thức và nhà trai phải trình 3 lá thư để xin hỏi cưới cho nhà gái.
Trong thực tế, thì người dân bình thường ít khi tuân thủ những nghi thức trên vì quá đắt tiền. Và càng về sau thì nghi thức cưới hỏi được đơn giản hoá đi rất nhiều, nhất là theo chỉ dụ của triều đình để tiết kiệm. Vào thời nhà Minh thì các nghi thức như chọn ngày giờ hay thương lượng được giảm bớt, chỉ còn lại cầu hôn, đính hôn và trao đổi lễ vật.
Đến thời nhà Thanh thì giới quý tộc lại bày vẽ ra nhiều hơn và lên đến tổng cộng gồm 9 lễ.
Nạp Thái
Bước đầu tiên trong lễ cưới truyền thống là Cầu Hôn tức Nạp Thái. Bước này sẽ do những người làm mai mối thực hiện. Vai trò của họ là cầu nối giữa nam chưa vợ và nữ chưa chồng và bắt đầu từ thời nhà Chu thì vai trò bà mối này được xem là chính thức và rất quan trọng.
Theo Nho Giáo thì đàn ông ở độ tuổi 20 - 30 sẽ nên kết hôn với thiếu nữ ở độ tuổi 15 - 20. Khi có người ở độ tuổi phù hợp thì người làm mai mối sẽ tiến hành công việc của mình.
Nhu cầu mai mối tăng cao do việc phân biệt giới tính gay gắt trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Phụ nữ ở tầng lớp trung lưu lớn lên trong xã hội phong kiến Trung Quốc bị giam lỏng trong nhà để giữ gìn tiết hạnh. Phụ nữ tầng lớp thấp phải làm việc đồng áng vất vả thì bị xem là không thanh cao. Nếu một người phụ nữ ở tầng lớp trung lưu gặp gỡ một người đàn ông xa lạ bên ngoài nhà thì được xem là đánh mất phẩm hạnh.
Quy Trình Mai Mối
Một người làm công việc mai mối buộc phải cân nhắc nhiều yếu tố trong công việc. Trước tiên, cần phải đảm bảo rằng người nam và người nữ phải có địa vị xã hội tương đối bằng nhau. Sau đó, phải xét đến quy mô gia tộc, tài sản, danh tiếng, dòng họ, tính cách và sức khoẻ. Điều này buộc họ phải nghiên cứu gia đình của cả hai bên thật rõ ràng.
Mặc dù cũng có thể lấy người có địa vị xã hội cao hay thấp hơn, nhưng thường không được xã hội đánh giá cao, nhất là nếu người phụ nữ đó xuất thân từ gia đình ít giàu có hay quyền lực hơn. Nếu một người đàn ông lấy một người phụ nữ có xuất phát điểm thấp hơn thì xem như là bôi nhọ danh tiếng gia đình. Do đó, lời cầu hôn thường sẽ bị từ chối. Lý tưởng nhất sẽ là một người đàn ông giàu có lấy một người phụ nữ xuất thân từ gia tộc giàu có hoặc một học giả sẽ đính hôn với một cô gái từ gia đình tri thức. Khái niệm này được gọi là Môn Đăng Hộ Đối và điều này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Một khi người mai mối tìm được một cặp hợp nhau thì thành viên của nhà trai sẽ đem lễ vật đến dạm hỏi cầu hôn nhà gái. Việc cầu hôn chính thức sẽ đánh dấu bước khởi đầu quy trình hôn nhân dài lâu.
Lễ vật sẽ thường được chọn cẩn thận để đại diện cho mong ước của gia đình nhà trai đối với hôn lễ. Lễ vật nổi tiếng và đáng mong đợi nhất sẽ là ngỗng hoang dã. Con vật này sẽ mang Dương Khí và đại diện cho người phụ nữ phục tùng. Chỉ những người làm quan đến hàng phẩm vị cao mới được phép sử dụng ngỗng hoang dã trong khi người dân bình thường sẽ tặng gà lôi.
Những sính lễ cầu hôn thông dụng khác bao gồm Rượu gạo đại diện cho vận may; Sậy đại diện cho năng lượng Âm bởi vì tính linh hoạt của loại thực vật này. Do đó, quần áo may bằng Sậy sẽ đại diện cho sự phục tùng, sống thọ và hôn nhân bền vững. Chim chóc ngoài những loại kể trên khá phổ biến thì chúng cũng gắn liền với sự hiếu thuận và nguyện lòng của người vợ phục vụ gia đình người chồng.
Nếu chấp thuận những lễ vật trên thì gia đình nhà gái đã xem như phi chính thức chấp thuận lời cầu hôn đi kèm. Và từ đó thì mọi người sẽ tiếp tục đến giai đoạn tiếp theo trong tiến trình cưới hỏi.
Vấn Danh
Sau khi cầu hôn thành công, cả hai gia đình sẽ bắt đầu giai đoạn Vấn Danh, trong đó gia đình hai bên trao đổi tín vật để xác định thoả thuận. Hai thứ được trao đổi phổ biến nhất là lá số Bát Tự của bên đàn ông và phụ nữ (còn gọi là Canh Phổ). Vấn danh xong thì hai bên cùng đồng ý chọn ra một ngày giờ tốt để Văn Định 文定 (còn gọi là Quá Định 過定, Định Sính 定聘 hoặc Huề Định 攜定). Văn Định là một lá thư tục được gọi là Sính Thư sẽ được viết và gửi để chính thức hoá bằng văn bản hôn ước đồng thuận bởi cả hai gia đình.
Lá Số Bát Tự
Để có thể hiểu được mục đích của giai đoạn này, cần phải nhớ rằng, trong xã hội Trung Hoa cổ đại, vốn là xã hội phong kiến và không cho phép ly hôn. Sự thật là phụ nữ lớn lên trong khuôn khổ gia đình và bị cấm giao tiếp với bất kỳ người đàn ông nào bên ngoài gia đình và khiến cho các cặp đôi rất khó tìm hiểu xem họ có phù hợp để kết hôn với nhau hay không.
Sự giới hạn này đã tạo ra một hình thức để có thể miêu tả tính cách của một người. Do đó, thông tin mà một người có thể xét từ lá số Bát Tự của một người là cực kỳ quý giá vì có thể hình dung bức tranh toàn cảnh về đặc tính của một con người. Để tránh bị lừa gạt và đảm bảo tính chính xác, lá số Bát Tự nên được một chuyên gia xem mệnh lý xem qua. Nếu hai lá số Bát Tự “xung” hay không hợp với nhau thì đám cưới sẽ bị huỷ bỏ.
Canh Phổ
Sau khi đã kiểm tra lá số Bát Tự kỹ càng, hai bên gia đình sẽ kiểm tra dòng dõi gia phả để xem hai bên có những thành viên nào nổi tiếng hay tai tiếng. Có dòng họ bao gồm những thành viên danh giá, trí thức, được đánh giá rất cao. Nếu gia phả tốt có thể giúp thoả thuận hôn ước tốt đẹp.
Mặc dù hôn ước chưa được chính thức đồng thuận đến thời điểm này, cặp đôi nhìn chung được xem như là đính hôn vào thời điểm hai bên trao đổi nhau Canh Phổ. Việc sở hữu gia phả hai bên có thể được xem như là bằng chứng đính hôn.
Một số gia đình trình Canh Phổ của bên con dâu hay rể tương lai lên ban thờ tổ tiên. Họ cầu nguyện và mong tổ tiên cho dấu hiệu đồng ý chấp thuận một thành viên mới vào gia đình.
Sính Thư
Để xác nhận chính thức việc đính hôn, chú rể hay đại diện tương lai của bên gia đình nhà trai sẽ trao một bức thư đính hôn đến gia đình nhà gái. Đây là bức thư đầu tiên trong Tam Thư Lục Lễ được nhắc đến trước đó. Bước này là cần thiết bởi vì nó thể hiện sự mong muốn chân thành để kết hôn với một người phụ nữ. Bức thư cũng chứa lời thề ước và tương lai của hai bên trong cuộc hôn ước.
Trao Đổi Sính Lễ
Sau khi trao đổi Sính Thư thì đến công đoạn trao đổi sính lễ, còn gọi là Nạp Trưng. Đó là gửi đến bên nhà gái một món quà sính lễ.
Bên nhà trai trước lúc xuất phát đến nhà gái để nạp thái, thì tiến hành bái lạy tổ tiên, sau đó lấy các hộp bánh mứt chuẩn bị đem đi nạp thái thắp hương báo cáo qua với tổ tiên, bày tỏ mong muốn tổ tiên giúp cho tình cảm viên mãn hạnh phúc.
Tập tục trao sính lễ phần lớn dựa trên quan điểm cho rằng phụ nữ là một tài sản và phải được “mua” từ gia đình bố mẹ đẻ. Khi gia đình nhà gái chấp thuận sính lễ, thì hôn ước được xem là không thể đảo ngược. Trước giai đoạn này thì gia đình nhà gái có quyền trả lại mọi thứ và Canh Phổ.
Ngoài ra, sính lễ thường hao tổn một số tiền nhất định và thường được gọi là Lễ Nạp Tệ.
Suốt nhiều thế kỷ, người ta từng xem phụ nữ là một món hàng cho đến khi được nhìn nhận như một người thật sự. Cuối cùng, Nạp Tệ dần được gọi khác đi là Văn Định. Gia đình chú rể vẫn sẽ đề nghị trao quà cho nhà cô dâu nhưng không bị gán mác tiền bạc vật chất nữa.
Trong mọi trường hợp thì sau khi trao đổi sính lễ sẽ tiếp đến giai đoạn Phụng Trà (dâng trà) và trao đổi bức thư thứ hai trong Lễ Thư.
Văn Định
Văn Định là hình thức hiện đại của Trao Đổi Sính Lễ (hay còn gọi Nạp Tệ, Nạp Tài). Thường nhà trai sẽ trao 12 món quà tặng mang tính biểu tượng trong văn hoá Trung Hoa.
12 món quà biểu tượng được trao là:
- Bánh su sê đại diện cho sự thịnh vượng và lương thực dồi dào.
- Hải sản đại diện cho tích luỹ tài sản.
- Thịt gia cầm đại diện cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
- Trái dừa đại diện cho khả năng sinh con trai.
- Hồng bao (bao lì xì màu đỏ) hay trang sức vàng biểu thị tương lai tốt đẹp.
- Bánh quy đại diện cho thịnh vượng và đủ ăn.
- Rượu đại diện cho tình yêu
- Chè trôi nước đại diện cho hạnh phúc kết nối.
- Trà hay mè đại diện cho hôn nhân bền vững.
- Thịt lợn biểu thị cho thịnh vượng.
- Kẹo 4 màu đại diện cho hạnh phúc kéo dài.
- Trái cây hoa quả đại diện cho sự sống và cơ hội có con trai.
Vào thời hiện đại, nhiều gia đình chỉ chọn 6 trong 12 loại trên như quà sính lễ: bánh su sê, hồng bao hay vàng, hải sản, trái dừa, thịt gia cầm và bánh quy.
Lễ Thư
Theo truyền thống thì Lễ Thư là danh sách chi tiết những sính lễ. Nhà gái chấp thuận bức Lễ Thư là hình thức công nhận chính thức việc kết hôn. Sự chấp thuận này sẽ là bước kết thúc giai đoạn này.
Vào thời hiện đại thì Lễ Thư đóng nhiều vai trò khác nhau. Danh sách những vật mà cặp đôi muốn nhận được trong ngày cưới. Danh sách này được gửi đến họ hàng hai bên để giúp cho họ hàng hai bên biết nên mua quà gì phù hợp. Các cặp đôi phương Tây thường gửi đến khách dự tiệc một danh sách ao ước.
Phụng Trà
Dâng trà được xem là nghi thức được nhiều người biết đến nhất. Nghi thức này có thể tiến hành trong giai đoạn đính hôn hoặc kết hôn.
Nghi thức này vốn xuất phát từ truyền thống cổ xưa là ngăn cấm phụ nữ chưa lấy chồng không được ra khỏi nhà. Do đó, đại diện bên nhà trai phải đến nhà cô gái và ngỏ lời dạm ngõ. Bởi vì, đại diện nhà trai phải đi một đoạn đường dài, nên nghi thức dâng trà thường được tiến hành để bày tỏ sự lịch thiệp.
Các tuần trà được dùng để thư giãn trong suốt quá trình thương lượng kéo dài. Việc dâng trà cũng được dùng để đánh giá sự kiên nhẫn của phụ nữ, sự cẩn trọng và cử chỉ lịch thiệp dưới cặp mắt quan sát, soi xét và áp lực từ những người xung quanh.
Khi truyền thống văn hoá dần dần cởi bỏ những hạn chế của người phụ nữ, thì không còn cần thiết cử đại diện nhà trai đến để thương thảo. Các cặp đôi trở nên tự chủ trong việc hôn nhân và gia đình thường chỉ gặp nhau trước khi đính hôn. Tất cả những điều này khiến cho việc dâng trà dần biến thành một hình thức thủ tục lễ nghi hơn là có ý nghĩa thực tế.
Ngày nay, khi nhà trai đến (thường bao gồm 5 người thân và chú rể tức sáu người) đến thăm nhà bố mẹ ruột cô dâu thì sẽ được dẫn đến hướng dẫn chỗ ngồi. Cô dâu tương lai sẽ mời thưởng thức trà ngọt (thường là loại trà long nhãn và táo tàu) và cô dâu sẽ ngồi cạnh một người phụ nữ lớn tuổi mà chồng, bố mẹ và bố mẹ chồng vẫn còn sống. Cô dâu tương lai sẽ phục vụ khách từ người lớn tuổi và quyền lực nhất trước (thường là bố mẹ chồng tương lai) và sau đó cuối cùng là người chồng tương lai.
Khi tất cả mọi người dùng trà xong, người phụ nữ lớn tuổi sẽ thu xếp lại cốc theo thứ tự. Trong suốt quá trình này, mỗi người thân sẽ chứng kiến một nghi thức là Áp Trà Bình, trả cốc cùng với một phong bao màu đỏ đặt bên dưới. Vào thời điểm đó, người phụ nữ lớn tuổi có thể đáp trả bằng cách tặng một món quà nhỏ nếu muốn.
Giai Đoạn Lên Kế Hoạch
Mặc dù có nhiều thứ cần phải chuẩn bị để lễ cưới diễn ra một cách suôn sẻ, thì công đoạn lên kế hoạch thường chú trọng rất nhiều đến việc chọn ngày cưới. Điều này gọi là Thỉnh Kỳ. Gia đình chú rể sẽ thỉnh một thầy giỏi kỹ năng chọn ngày giờ tốt cưới hỏi.
Một khi chuyên gia đã hoàn thành công việc xong thì gia đình nhà trai sẽ trình ngày giờ đề nghị cho nhà gái, nhà gái ban đầu sẽ giả vờ từ chối. Điều này là cố tình và sau đó khi nhà trai đưa ra ngày giờ lần thứ hai thì ngày giờ đó sẽ được chọn. Điều này là vì trong văn hoá truyền thống thì theo quan hệ tình cảm vợ chồng là Âm - Dương thì Âm là bị động và Dương chủ động. Thực tế thì đây được gọi là phong tục Dương Xướng Âm Hoà.
Một điều thú vị là một số học giả cho rằng thuật Trạch Nhật ban đầu ra đời là do mục đích chọn ngày giờ cưới hỏi.
Do đó, các chuyên gia Trạch Nhật đưa ra rất nhiều thuật Chọn Ngày Giờ và nhiều phương pháp lại có tính mâu thuẫn lẫn nhau. Một số mâu thuẫn lớn đến độ một số phải đưa nhau ra toà để phân thắng thua.
Một ví dụ điển hình của việc lắm thầy nhiều ma và phán quyết đúng sai trong Trạch Nhật được ghi nhận trong Sử Ký. Câu chuyện có thật rằng Hán Võ Đế hỏi cố vấn về một ngày giờ tốt cho một việc và những cố vấn lại đem ra đến 7 lý thuyết mâu thuẫn nhau. Hoàng Đế bị buộc phải ra một quyết định cuối cùng, do đó ông quyết định dựa vào lý thuyết Ngũ Hành làm căn bản.
Quy Trình
Trong việc chọn ngày giờ cưới hỏi, các chuyên gia Trạch Nhật thường chú trọng đến ngày cưới hơn là năm cưới. Họ cũng ít đặt nặng đến tháng tốt và giờ tốt vì tháng bị xem là quá chung chung trong khi giờ lại bị xem là quá chi tiết khó tuân thủ. Dù chọn theo phương pháp nào thì ngày giờ cưới lý tưởng cần được dựa trên lá số Bát Tự của nam và nữ.
Nhìn chung, tầng lớn bình dân vào thời cổ đại thích cưới và sinh con vào năm Thìn. Điều này bởi vì đứa con đầu tiên sinh vào năm Thìn sẽ được xem là con của rồng. Do đó, người ta cũng thích kết hôn vào năm Mão vì năm tiếp theo sẽ là năm Thìn, thích hợp để sinh con.
Ngược lại, vào năm Tý, Sửu và Dần được xem là không tốt vì những lý do tương tự.
Kiêng Kỵ
Mặc dù người ta thường chọn ngày giờ cưới dựa trên tư vấn của thầy nhưng cũng có những kiêng kỵ dân gian vốn không dựa trên cơ sở học thuật Trạch Nhật. Điều này là bởi vì có nhiều người cũng không có nhiều tiền để nhờ thầy xem chọn ngày giờ, nên họ dựa vào mê tín dị đoan.
Trước tiên, người ta tin rằng đám cưới không nên diễn ra trong thời kỳ để tang hay năm để tang. Một số cặp đôi phải hoãn sau 100 ngày sau khi có một người thân qua đời. Nếu đó là người quan trọng thì thời gian hoãn có thể là 1 hoặc 3 năm. Điều này là bởi vì dân gian tin rằng việc tang lễ rất tốn kém và xui xẻo có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc và việc có con của cặp đôi.
Cặp đôi cần phải tránh kết hôn vào một số tháng nhất định, ví như tháng 4 vì nghe âm trùng với Tử.
Một số người lớn tuổi cũng tin rằng không nên kết hôn vào tháng 6 và 7 Âm Lịch vì đó là tháng cô hồn, xui xẻo, dễ ly hôn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những quan điểm mê tín dị đoan là đến từ tầng lớp học thức thấp và không có điều kiện mời thầy để chọn ngày giờ tốt. Thực ra bất cứ năm nào hay tháng nào cũng có những ngày tốt và phù hợp. Một thầy giỏi sẽ luôn biết cách chọn ngày giờ phù hợp để hỗ trợ cho lá số Bát Tự của cả hai người hoặc bù đắp cho hai người.
Đón Dâu
Thông thường, ngày cưới là ngày quan trọng nhất trong quy trình chọn ngày cưới. Do đó, ngày trọng đại này bao gồm 3 nghi thức.
Nghi thức đầu tiên là Đón Dâu còn gọi là Thân Nghênh. Chú rể sẽ ngồi lên xe xuất phát từ nhà trai để đón nhà gái.
Chú rễ sẽ phải mang theo 8 loại quà biểu tượng quan trọng về mặt văn hoá mà đích thân họ phải chuẩn bị như sau:
- Chè trôi nước biểu thị hạnh phúc và viên mãn.
- Thịt lợn gồm một sợi dây màu đỏ cột quanh biểu thị tình cảm lâu dài
- Một chiếc dù đỏ hoặc màu đen để bảo vệ tránh điều xấu xa
- Hai trái cam biểu thị may mắn
- Trà long nhãn và táo tàu biểu thị khả năng có con trai
- Xôi nặn hình tròn biểu thị toàn vẹn.
- Hồng bao hoặc trang sức vàng biểu thị may mắn
Hoặc có thể mang theo 6 mâm lễ hoặc 12 mâm lễ.
Khi xe đến đầu ngõ, cách nhà cô dâu khoảng 100m thì xe dừng lại và toàn bộ đoàn người sẽ xuống xe để chờ đến giờ đẹp bước vào nhà cô dâu.
Khi chú rể đến nơi thì cô dâu sẽ chuẩn bị để theo về nhà chồng. Việc cô dâu đi được xem là Xuất Các, khi cô dâu chủ động rời nhà bố mẹ đẻ để đến nhà chồng tương lai. Theo truyền thống, cô dâu sẽ được một người phụ nữ lớn tuổi đi theo (người này phải là người có đầy đủ chồng, bố mẹ và bố mẹ chồng vẫn còn sống).
Trước khi đi, người phụ nữ lớn tuổi sẽ mở dù để che chắn những năng lượng tiêu cực nếu có hiện hữu. Ngoài ra, mặt của cô dâu sẽ được che lại để cho nhan sắc không gợi nên bất kỳ sự ghen tức nào từ các vong linh ở gần.
Khoảnh khắc cô dâu đến nhà chú rể và bước ra khỏi xe, gia đình chú tể sẽ chuẩn bị sẵn một tô gạo, muối hay rượu để rải về phía cô dâu. Nghi thức này được gọi là Hạ Kiệu và giúp xua tan những năng lượng tiêu cực và hấp thu năng lượng tích cực về phía này.
Sau khi cô dâu rời kiệu, chú rể sẽ theo sau và đứng bên cạnh cô dâu. Gia đình chú rể sẽ lần lượt trải thảm đỏ để mời cặp đôi bước vào nhà. Khi họ bước qua cửa chính, cặp đôi sẽ bước qua môt nồi than chuẩn bị sẵn. Nghi thức này được gọi là Nhập Môn và biểu thị cho một tương lai tươi sáng.
Lưu Ý
Ở nhiều vùng quê của Trung Quốc còn có những tín ngưỡng kiêng kỵ như không mời cô của cô dâu đến tham dự. Nếu cô dâu có anh trai đã lập gia đình thì chị dâu cũng không được mời.
Đó là vì chữ Cô hay Tẩu trùng âm với từ Cô Đơn và Tảo (quét dọn).
Phụ nữ mang thai cũng bị kiêng không được đến dự đám cưới vì tin rằng biểu thị cô dâu có thai trước khi cưới. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng kiêng không được tiếp xúc với quần áo hay cơ thể của cặp đôi mới cưới. Kiêng kỵ này có lẽ cũng vì muốn cho người phụ nữ mang thai không phải đi lại vất vả, dễ bị sẩy thai vì ngày xưa điều kiện tiếp xúc với y tế khó khăn.
Những người có năm sinh xung hay lá số Bát Tự xung với ngày cưới cũng không được mời tham dự những hoạt động đặc biệt trong lễ cưới. Họ cũng không được mời làm rể phụ hay dâu phụ. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tham dự tiệc ăn uống bình thường.
Xe chở cô dâu chú rể cũng không được từng bị đâm hay va quẹt. Vì điều này biểu thị cho nhiều điều không may mắn, xung đột.
Cô dâu mặc dù có buồn vì xa cha mẹ nhưng không được phép khóc, nhất là khi đến nhà trai. Vì niềm tin rằng thể hiện cảm xúc tiêu cực sẽ đem đến điềm hung cho nhà trai.
Cuối cùng là tất cả mọi người xuất hiện ở nhà chú rể cần phải tránh cô dâu khi cô dâu xuất hiện cùng chú rể bước vào phòng khách. Điều này mục đích để cho không cản trở hay ảnh hưởng đến năng lượng của cô dâu. Quan khách sẽ được quay trở lại phòng khách sau khi cặp đôi đã tiến vào phòng.
Bái Đường
Trước khi bước vào nhà thì cô dâu và chú rể sẽ phải bước qua một nồi than nung đỏ để xua đuổi tà ma (gọi là Khứ Tà) và vài mảnh ngói vỡ biểu thị là bước qua những tan vỡ trong quá khứ để tiến đến tương lai hạnh phúc. Sau khi cặp đôi bước qua nồi sau khi kết thúc giai đoạn Nhập Môn và đến giai đoạn Thân Nghênh, thì tiến hành nghi thức Bái Thiên Địa.
Nghi thức này tiến hành ở ngay cửa ra vào của nhà chú rể và được gọi là Bái Đường. Nghi thức Bái Đường xuất hiện từ thời nhà Tấn (265 - 420 sau CN) và rất nặng về sự phân biệt giới tính. Nghi thức này vốn không hẳn là chú trọng đến thờ cúng Thiên, Địa và chủ yếu là muốn phụ nữ bày tỏ thái độ phục tùng đàn ông. Cô dâu sẽ phải quỳ lạy chồng tương lai của mình và mặc dù là chú rể cũng có quỳ lạy ngược lại với cô dâu nhưng tổng cộng số lần cô dâu phải quỳ là 4 lần trong khi chú rể chỉ có 2 lần.
Vào thời nhà Nguyên (1271 - 1368) thì nghi thức này được thay thế bằng nghi thức Bái Thiên Địa
Bái Thiên Địa
Nghi thức này bao gồm 4 bước nhỏ.
Trước tiên, cô dâu chú rể bái lạy gia tiên của nhà chú rể. Khi làm điều này thì xem như chính thức thông báo với ông bà đã khuất rằng cô dâu đã là một thành viên trong gia đình nhà trai.
Tiếp theo, là cô dâu chú rể sẽ vái 3 lạy và khấu đầu 9 lần với Thiên Địa. Đây là niềm tin rằng Thiên và Địa biểu thị cho Âm và Dương, rằng vợ là Âm và chồng là Dương.
Sau đó là vợ chồng sẽ bái lạy cha mẹ chú rể để biểu thị sự hiếu thảo.
Cuối cùng, họ đối mặt với nhau và vái lạy nhau để biểu thị sự tôn kính và sẽ ở bên nhau suốt đời.
Tiệc Cưới
Đôi khi còn được gọi là Hỉ Tửu, tiệc cưới thường được nhiều người xem trọng hơn cả. Đây là lúc cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên chia sẻ niềm vui với những người thân yêu và bày tỏ sự trân trọng những người đã dành thời gian tham dự lễ cưới.
Tiệc cưới cũng sẽ tương tự như các buổi tiệc bao gồm phần ăn uống, trang trí đẹp đẽ. Điểm khác biệt duy nhất là sẽ có khu vực bàn chính ưu tiên cho cặp đôi, cha mẹ và ông bà. Các khách khác sẽ được xếp chỗ ngồi dựa trên mối quan hệ thân mật với cô dâu chú rể.
Ở một số vùng nông thôn của Trung Quốc còn có tục Náo Động Phòng.
Kiêng Kỵ
Tiệc cưới thường có nhiều kiêng kỵ nhất định để đảm bảo không tạo ra điềm xấu cho cặp đôi trong tương lai.
Ví dụ, khách đến dự không được mang tặng đồ dùng nhà bếp vì tin rằng đem lại sự xui xẻo và khiến cặp đôi sẽ chia ly trong tương lai. Khách cũng không được xếp lại chén dĩa sau khi ăn xong vì biểu thị tái hôn.
Xét về chỗ ngồi thì khách của cô dâu không nên được xếp chỗ ngồi với khách của chú rể cũng như không ngồi với bạn bè chung của cô dâu và chú rể.
Náo Động Phòng
Đây là một trong những hủ tục được tạo ra từ thời nhà Hán (206 trước CN - 220 sau CN) khi cô dâu bị bắt cóc và bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho chú rể và bạn bè chú rể.
Sau khi nhà Hán sụp đổi, thì các trò vui tình dục được thay thế bằng các trò chơi khăm cô dâu. Trong sách của Bão Phác Tử có ghi nhận rằng các trò chơi khăm này rất cực đoan ví như cô dâu bị treo ngược ở cành cây.
Các trò chơi khăm này bao gồm cả tính chất hạ nhục cho đến thời nhà Minh. Đến thời nhà Thanh, thì các quan khách chỉ được phép chọc cười cô dâu và chú rể cũng sẽ bị chọc gheo chung. Vì các trò chơi khăm chủ yếu diễn ra vào tiệc cưới nên bao gồm cả việc chuốc rượu cho chú rể say.
Động Phòng
Động Phòng là giai đoạn sau khi đã kết thúc tất cả trò vui chơi khăm và tiệc tàn, đây là giai đoạn cặp đôi sẽ lần đầu tiên tiếp xúc thân mật với nhau. Ở nhiều vùng nông thôn xa xôi của Trung Quốc, khách dự tiệc thường sẽ đứng bên ngoài cửa phòng cặp đôi mới cưới để lắng nghe những gì xảy ra bên trong. Lưu ý rằng, đây cũng là một phần có liên quan tập tục Náo Động Phòng.
Cô dâu ở tầng lớp thượng lưu thường sẽ rất giữ tiết hạnh và địa vị. Ngoài ra, cô dâu giàu có sẽ đội một lớp vải đỏ che phủ khuôn mặt để cảm thấy thoải mái trước khi họ tiếp xúc với một người đàn ông xa lạ.
Trước khi động phòng, cặp đôi sẽ vòng tay để cùng uống chén rượu giao bôi. Cử chỉ này biểu thị cho sự gắn bó vợ chồng trọn đời. Loại dụng cụ để uống thường là một trái bầu hồ lô được chẻ làm đôi thành hai nửa, hai đầu sẽ được buộc với nhau bằng một sợi dây màu đỏ. Khi cặp đôi đã uống xong thì sẽ cột lại với nhau chính thức để biểu thị cho hôn nhân bền vững.
Lễ Nghi Sau Khi Cưới
Sau khi diễn ra ngày trọng đại, thì sẽ có một vài thủ tục nho nhỏ diễn ra vào ngày tiếp theo.
Một trong những nghi thức là rót trà lần hai, gọi là Khiết Trà. Trong nghi thức này bao gồm cả việc trao bao lì xì đỏ hay những quà tặng quý giá như vàng trang sức từ ông bà của chú rể. Cuối cùng là nghi thức Quy Ninh biểu thị lễ cưới kết thúc.
Khiết Trà
Nghi thức này khác với giai đoạn Văn Định.
Trong nghi thức này thì người phụ nữ sẽ được gặp gỡ toàn bộ gia đình nhà chồng. Trong nghi thức Phụng Trà ở giai đoạn Văn Định thì người phụ nữ sẽ phải rót trà ra 6 cốc mỗi lần. Và phải thực hiện nghi thức này nhiều lần, tuỳ thuộc vào số lượng người tham dự. Khi thực hiện nghi thức này thì cô dâu phải mời và gọi từng thành viên trong gia đình chồng là người thân của mình. Ví dụ, gọi cha chồng là cha, mẹ chồng là mẹ.
Họ hàng bên nhà chồng sẽ tặng cho họ một phong bao lì xì màu đỏ bao gồm một số tiền nhất định. Ông bà nội bên nhà chồng sẽ phải tặng một món quà đắt tiền nhất. Vàng thường được chọn nhiều nhất.
Quy Ninh
Trong giai đoạn Quy Ninh, cặp đôi sẽ quay trở về nhà cô dâu để thăm bố mẹ vợ. Điều này sẽ được làm trong vòng 3 ngày sau khi kết hôn.
Vào ngày này, mẹ vợ sẽ chuẩn bị bánh để chào đón cặp đôi mới cưới vào buổi sáng. Theo truyền thống thì người mẹ vợ thường có thể nấu bất cứ loại bánh nào, nhưng thường được gọi là Bánh Song Sắc. Cặp đôi sau đó sẽ dùng bữa trưa với bố mẹ vợ.
Khi kết thúc bữa ăn và cặp đôi mới cưới chuẩn bị quay về nhà chồng, mẹ vợ sẽ tặng cho con rể và gia đình nhà trai một món quà. Thường là trong phần quà tặng sẽ bao gồm mía và một cặp gà trống mái gọi là Đới Lộ Kê. Hai món quà này mang tính biểu tượng và văn hoá.
Chiều dài của cây mía biểu thị cho hôn nhân kéo dài và sự ngọt ngào cũng như niềm vui trong hôn nhân từ đầu đến đuôi đều ngọt.
Đới Lộ Kê là tên của cặp gà sống, biểu thị sự sinh nở dồi dào. Cặp gà này thường được đặt bên trong một túi và nếu khi đem về nhà mà con gà trống đực nhảy ra đầu tiên thì đứa con đầu sẽ là con trai.
Một số bà mẹ vợ còn tặng cho đến 6 cặp Đới Lộ Kê cùng với 6 trứng. Điều này sẽ giúp biểu thị sinh được nhiều con. Ngày nay thì có nhiều quà tặng khác, và thường là tặng bao lì xì sẽ giúp đơn giản hoá khâu chọn quà.
Một trong những điều bắt buộc là cặp đôi phải quay về nhà trai trước bữa tối. Có thể hiểu lý do là vì ban đêm thường là thời điểm tất cả mọi hoạt động ở nông thôn chấm dứt, đường xa nguy hiểm và cũng vì lý do người ta tin rằng ban đêm là thời điểm dễ giao hợp sinh con.
(Nghênh Tân: người mai mối, người cầm mâm quả sẽ xuống xe đầu tiên, những người khác trong nhà sẽ xuống sau).