Ngày nay, người ta có xu hướng dùng chữ Huyệt để chỉ bất kỳ nơi nào đào đất để chôn người đã mất. Kỳ thực yêu cầu để được gọi là Huyệt vốn khắt khe hơn rất nhiều.
Chữ Huyệt 穴 trong tiếng Hán vốn là một chữ tượng hình biểu thị có dãy núi dài tức Lai Long và Đỉnh Núi ở phía sau dẫn khí mạch đến từ phía sau.
Đồng thời, để được gọi là kết huyệt thì từ Lai Long phải chẻ làm 2 nhánh Thanh Long và Bạch Hổ ở hai bên trái phải để che chắn kín gió cho huyệt không bị tán khí.
Huyệt thường là nơi thấp dưới đỉnh núi nên có bộ Miên tức mái che 宀 biểu thị nơi đây có thể xây dựng ngôi nhà trú cho người mất (gọi là Âm trạch).
Như Quách Phác có câu "Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì tụ".
Bên dưới mái che lại có chữ Bát 八 tức ám chỉ huyệt mộ phải che chắn, tránh gió từ 8 phương thổi đến gọi là Bát Phong.
Theo Táng Thư thì một người địa sư phải nắm bắt được 8 ngọn gió theo 8 phương Bát Quái:
- Nếu trước mặt có gió thì khí không tụ, thiếu án sơn, chủ bần cùng bại tuyệt.
- Nếu sau toạ có gió thì không có điểm tựa, chủ yểu tử, hiếm muộn.
- Nếu bên Thanh Long có gió thì con trai trưởng bạc nhược, cô quả.
- Nếu bên Bạch Hổ có gió chủ con út mất sớm.
- Nếu hai bên vai có gió chủ sẩy thai.
- Nếu hai chân có gió chủ con cháu hạ tiện.
.....
Như vậy, bạn có thể hiểu được ý nghĩa của từ Huyệt và việc cần thiết phải có Lai Long, Thanh Long, Bạch Hổ đòi hỏi phải kín gió.
Một vài chia sẻ,
Nguyễn Thành Phương