Từ xưa đến nay tập tục tảo mộ vào tiết Thanh Minh đa phần phổ biến trong người Hoa mà người Việt không áp dụng tập quán này nhiều. Ở các đình, miếu của người Hoa thì tiết Thanh Minh cũng tấp nập người vào dâng hương, cúng bái. Tại sao lại như vậy thì nhiều người chưa rõ?
Thực sự Tiết Thanh Minh rất quan trọng về mặt tâm linh và phong thủy. Tiết Thanh Minh là 1 trong 24 Tiết Khí, dựa trên Nông Lịch, tức lịch mặt trời của người Trung Hoa. Từ xưa đến nay tất cả mọi công việc xem lá số tứ trụ, trạch nhật chọn ngày giờ tốt, Kỳ Môn, Phong Thủy, tất thảy đều phải sử dụng theo lịch Tiết Khí để đảm bảo độ chính xác cao. Còn Âm Lịch là lịch dân gian đếm theo chu kỳ mặt trăng thì độ chính xác thấp chỉ để dùng xem giỗ kỵ của người chết mà thôi. Vì lẽ âm lịch dùng cho người âm, dương lịch dùng cho người dương.
Tiết Thanh Minh, còn được gọi là Tiết Đạp Thanh (踏青节), mỗi năm bắt đầu vào ngày 5/4 Dương Lịch, kéo dài đến ngày 19/4 hàng năm. Có người quá coi thường kiến thức của cụ Tố Như - Nguyễn Du mà nói rằng Nguyễn Du sai lầm khi viết các câu: “Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Thanh Minh rõ ràng là tháng 4 Dương Lịch, hoặc là tháng 2 Âm Lịch, làm sao mà rơi vào tháng 3? Thực ra có một số bài viết như vậy trên mạng giải thích rằng có năm thì tiết Thanh Minh sẽ rơi vào tháng 3 Âm Lịch tùy theo năm nhuận hay không. Cực kỳ đáng thất vọng với cách kiến giải này. Tiết Thanh Minh là ngày bắt đầu của tháng Thìn, tức là tháng 3 theo lịch Tiết Khí, vì tháng Dần là tháng 1, tháng Mão là tháng 2, tháng Thìn là tháng 3. Nguyễn Du viết rất đúng với kiến thức lịch tiết khí, không hề sai chút nào, chỉ có người hậu học tự cho mình giỏi mà nói phải sửa lại là “Thanh Minh trong tiết tháng hai”?
Một năm có 2 tiết khí rất đặc biệt là Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất cùng thẳng hàng với nhau, đó là tiết Thanh Minh và tiết Hàn Lộ. Khi Thái Dương, Thái Âm cùng xuất hiện thẳng hàng với Trái Đất đó là Thiên – Địa – Nhân tam tài đồng xuất hiện, người ta sẽ có khả năng giao tiếp với thế giới phần âm mạnh mẽ nhất. Có nhiều người nói rằng tháng 7 âm lịch là xá tội, thả cho vong nhân về với dương gian kỳ thực không hiểu đúng rồi đâm ra sợ hãi lung tung, cả nguyên tháng 7 không dám đi kinh doanh, động thổ, xây dựng gì.
Tiết Thanh Minh là khi Mặt Trời, Mặt Trăng cùng chiếu đến góc 15 độ so với Trái Đất. Tiết này khởi đầu tháng Thìn, tiết Hàn Lộ khởi đầu tháng Tuất. Tuất chính là Càn là phương Tây Bắc, còn gọi là Thiên Môn cửa trời. Thìn chính là Tốn là phương Đông Nam, còn gọi là Địa Hộ, cửa đất. 2 thời khắc quan trọng này thì Âm Dương sẽ giao hòa và linh khí sẽ xuất hiện. Nếu hiểu được điều này thì sẽ biết được tập tục mở cửa mả từ đâu ra, nhằm mục đích gì, chứ không phải người ta bày vẽ ra cho có chuyện để làm, và phải làm cho đúng cách.
Đó là lý do tại sao chúng ta nên đi tảo mộ, tức là quét mộ của tổ tiên. Nên lưu ý rất kỹ rằng không phải thời gian này đi sửa mộ mà chỉ đi quét mộ mà thôi. Chữ “tảo” là quét, lau dọn bia mộ sạch sẽ, quét đi bụi bẩn, còn “hội là đạp thanh” mà Nguyễn Du nhắc đến thực chất là xuất phát từ việc phải cắt cỏ, giẫm đạp lên cỏ dại xung quanh phần mộ. Mà nhiều người không hiểu nói là giẫm đạp lên cỏ? Đó là do tất cả mộ muốn làm phong thủy âm trạch tốt phải được đắp đất, trồng cỏ nên cỏ dại um tùm ở phần mộ phải được cắt tỉa, dẹp bỏ đi. Chứ chẳng ai khơi khơi bày ra lễ hội thi nhau đạp lên cỏ cho vui.
Nếu muốn sửa mộ phần cần phải rất cẩn trọng vì các tháng Tứ Mộ Khố, Thìn Tuất Sửu Mùi sẽ tác động đến âm trạch rất mạnh, cần phải có kiến thức sâu sắc về âm trạch và trạch nhật chứ không nên đi sửa chữa kẻo linh ứng xấu ảnh hưởng mạnh. Ngược lại, nếu 1 người thầy biết rất sâu về âm trạch và trạch nhật, bao gồm cả Kỳ Môn Độn Giáp thì sửa sang mộ phần trong thời gian này là khá tốt.
Thời gian của tiết Thanh Minh và đặc biệt của 15 ngày đầu tiên của tháng Thìn rất quan trọng, đó là thời gian tốt nhất của đất trời giao hòa. Khi mặt trời và mặt trăng cùng soi rọi 1 trục thẳng hàng nên người ta mới đặt tên là “Thanh Minh 清明” – chữ Minh 明 bao gồm 2 chữ Nhật 日và Nguyệt 月ám chỉ rằng thời gian này có đủ mặt trăng và mặt trời .
Do đó, nếu như chúng ta đi đến các đền chùa, miếu mạo, công trình tâm linh, mộ phần, nghĩa trang cần phải hết sức thành kính cúng bái, tất mọi việc sẽ linh ứng nhanh hơn các thời gian mà chúng ta chọn tùy tiện, không rõ kiến thức về thiên văn, địa lý.
Ngoài ra, khi tìm hiểu về bất cứ một nguyên tắc truyền thống nào, thực ra phần truyền thuyết nói rằng lễ này là do ông này mất, người kia chết là anh hùng, xong sinh ra việc có ngày này ngày kia kỷ niệm chẳng qua là do người đời sau không biết rõ ngọn ngành mà chém gió lâu ngày thành truyền miệng, truyền thuyết thôi. Cũng như chẳng có con rùa hay con ngựa nào hiện lên mà trên lưng đầu các chấm Hà Đồ, Lạc Thư,…cả. Vậy nên, người học phong thủy không nên chấp nhận những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết khi học thì mới có thể hiểu được ngọn ngành đến tận gốc rễ logic, khoa học của phong thủy.
Một vài chia sẻ,
Nguyễn Thành Phương