#Kỳ 10: Bước Chân Phong Thủy
Ngày nay khi đi trên con đường Trần Hưng Đạo quận 5, chúng ta không khỏi thắc mắc về một toà nhà to lớn hiện diện ngay tại trung tâm quận 1 và có đến 4 mặt tiền đắt địa.
Tại sao một toà nhà tại vị trí đắc địa như vậy lại trong có vẻ nghèo khổ khó khăn? Ai là chủ của ngôi nhà này, nếu đã có tiền xây cất hoành tráng như vậy tại sao lại có cái kết không có hậu? Theo chân Tường Minh để được giải mã bí ẩn phong thủy đằng sau căn biệt thự 4 mặt tiền đắt địa này.
Đầu tiên, hãy xem một chút tư liệu lịch sử về người chủ đã mua mảnh đất và xây cất ngôi nhà mà chúng ta nhìn thấy như hiện nay. Đó chính là tỷ phú Nguyễn Văn Hảo.
Nguyễn Văn Hảo (1890-1971) là một trong những thương gia người Việt giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp thuộc cho đến những năm 1975. Ông từng là chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo nổi tiếng, được ví là nhà hát "hàng không mẫu hạm" với sức chứa trên ngàn người và hiện đại nhất Sài Gòn vào thập niên 50.
Ông Hảo sinh tại huyện Càng Long, Trà Vinh, trong gia đình có 3 anh em, nhiều đời làm nông và có cuộc sống khốn khó. Người anh đầu sớm lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề buôn bán, sửa chữa phụ tùng xe hơi. Do công việc tiến triển, cần thêm người nên Hảo xin cha mẹ theo anh lên phố.
Tuy ít học, ở quê chỉ biết làm ruộng nhưng Hảo khá thông minh, lại chăm chỉ học nghề nên nhanh chóng trở thành thợ chính. Không chỉ học ở người anh, hễ biết ai giỏi Hảo lại nhờ chỉ dạy nên có thể sửa mọi vấn đề của xe hơi. Ổn định công việc anh đón vợ con quê lên Sài Gòn, dành dụm vốn xin người anh đứng ra mở tiệm riêng.
Bí quyết giúp ông Hảo thành công là nhờ vào sự niềm nở, tận tình, luôn coi khách hàng là thượng đế. Ngoài ra, cánh tài xế lái thuê khi mang xe đến sửa, thay thế phụ tùng đều được vợ chồng ông "bồi dưỡng" ít tiền uống cà phê, ăn quà,... nên rất thích. Không chỉ thành khách trung thành của ông, họ còn truyền tai đồng nghiệp đến tiệm ông mua đồ, đổ xăng…
Từ đó, ông Hảo tiếp tục phát triển sự nghiệp bằng phương pháp làm ăn chân chính. Bài học thành công của ông sau này được nhiều người bắt chước áp dụng cũng đã thành công vượt bậc...
Được vài năm như thế, công việc kinh doanh của Nguyễn Văn hảo ngày càng phát đạt. Đến năm 1933, ông mua miếng đất với 4 mặt tiền ở đường Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm để xây nhà.
Việc xây nhà từ năm 1933 cho đến năm 1937. Tòa nhà có diện tích 800 m², được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp đang thịnh hành thời đó. Gạch bông lót nền nhà được đưa từ Pháp qua. Do lúc đó chưa có xi măng nên phải lấy mủ cây trộn với vôi cát, nước để xây. Hai bên hông nhà có khắc chữ NG.V.HAO.
Tầng trên cùng của tòa nhà có một hồ bơi nhỏ, tuy nhà có hai lầu nhưng sau này có gắn thang máy. Năm 1966, khi ông Hảo về quê, do không có nhu cầu sử dụng, con cháu ông đã tháo thang máy đem bán. Phía trước nhà mặt đường Trần Hưng Đạo ông Hảo cùng Hãng Caltex mở cây xăng. Còn lại bán đồ phụ tùng xe hơi. Phía sau là garage xe hơi.
Dãy lầu trên garage có thêm 6 căn được cho thuê. Còn phía trên của dãy trước để toàn bộ đại gia đình ông ở. Ngoài tòa nhà này, ông Hảo còn mua miếng đất ở mặt tiền đường Bùi Viện - Trần Hưng Đạo - Đề Thám để xây cất hai dãy phố nhà lầu cho thuê.
Năm 1966, người vợ đầu của Nguyễn Văn Hảo qua đời, ông trả môn bài về ở quê Càng Long sống. Công ty Nguyễn Văn Hảo cũng ngưng hoạt động. Nhà ông chỉ còn garage xe phía sau, do ông Hảo giao lại cho người con nuôi quản lý và cây xăng Caltex ở trước nhà là còn hoạt động. Các tài sản ông Hảo ở Sài Gòn, ông giao hết cho người con trai cả quản lý. Năm 1971, thương gia Nguyễn Văn Hảo mất ở Sài Gòn, ông được đem về an táng ở Càng Long trong ngôi mộ mà gia đình xây sẵn từ năm 1940.
Sau năm 1975, trải qua nhiều biến cố, những tài sản lớn như nhà hát, ngôi nhà 4 mặt tiền, garage, cây xăng... của ông Hảo trước đây thì hầu hết đều bị Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tịch biên. Hiện con cháu ông mỗi người mỗi nghề, chủ yếu là lao động chân tay. Họ đang được sử dụng 2 tầng lầu dãy phía trước của căn nhà 4 mặt tiền giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Do tầng trệt thuộc nhà nước quản lý cho kinh doanh thuê mướn, nên các con cháu ông phải ra vào qua chiếc cổng nhỏ ở đường Ký Con của tòa nhà được xem là "vị trí đất vàng"-"triệu đô, hàng tỷ đồng" của thành phố. Mọi đồ đạc có giá trị trong căn nhà trước đây hầu như đã được tháo ra bán để mua gạo trong giai đoạn khó khăn trước đây.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải tuy nhiên có một vài nguyên nhân có thể nói là dễ thấy nhất đó là vì căn nhà được xây dựng trên một mảnh đất không vuông vắn và bản thân căn nhà lại bị bao vây bởi 4 con đường chạy sát bên cạnh.
Mảnh đất tuy có vẻ như là nở hậu thường được dân gian yêu thích, nhưng nhiều người không biết rằng nở hậu có nghĩa là phần đầu bị tóp lại, bóp chặt. Khuyết hãm ở bất cứ phần nào cũng sẽ gây bất lợi cho người tương ứng với cung Bát Quái đó biểu thị.
Phần mà mọi người ai cũng thấy rõ ràng nhất nhỏ bé nhất, chật nhất là phần mặt tiền phía trước, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu thất bại.
Ông tận dụng nơi này làm cây xăng để kinh doanh.
Lưu ý đó là nơi kinh doanh mà mặt bằng nhỏ hẹp thì không có đường hướng để có thể phát triển lâu dài. Mặt tiền chính là tiền mặt, nếu chọn mặt tiền bó hẹp thì không khác gì là lượng tiền đổ vào sẽ tự nhiên bị hẹp lại, như bị thít chặt, khó lòng mà vào thật nhiều.
Tuy rằng 4 bên cũng có mặt tiền nhưng mà không gì có thể thay thế mặt tiền của chính phần phía trước nhà mà trong phong thuỷ gọi là Minh Đường. Điều này quý độc giả cần phải lưu ý.
Nơi bị bóp bé nhất chính là cung Tây Bắc. Trong Phong Thuỷ thì cung Tây Bắc chính là Càn biểu thị người đàn ông trụ cột vững chãi nhất trong gia đình. Trong trường hợp ông Hảo đang là người lèo lái, cần được vượng nhất mà cung đại diện cho vai trò của ông lại hẹp nhất, bé nhất thì việc ông bị bó hẹp trong suy nghĩ, đường hướng kinh doanh là điều không tránh khỏi.
Về sau rõ ràng chúng ta thấy ông có xu hướng thụt lùi, muốn lui về ở ẩn, để cho con cháu quản khối tài sản lớn. Mà con cháu ông còn có xu hướng lạm quyền, bán hết đồ đạc trong khi ông vẫn còn lả chủ nhà?
Thêm nữa cung Tây Bắc theo Phong Thuỷ tuyệt đối không được đặt lửa như bếp hay trạm xăng dầu. Nếu phạm thì được gọi là Hoả Chiếu Thiên Môn, gây bất lợi hàng đầu cho người đàn ông trụ cột của gia đình. Đây cũng là điều xung phạm nguy hiểm thứ ba.
4 con đường bao xung quanh ngôi nhà. Người ta hay nói số 4 đồng âm với chữ Tử là xui xẻo. Kỳ thực trong trường hợp xây dựng căn nhà thì cần phải có Tứ Tượng là Thanh Long Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Trong đó phần tối quan trọng là phải có nơi tĩnh, nơi động chứ không thể nào cả 4 phía đều động được.
Bạn đọc để ý chỉ có những trung tâm thương mại lớn thì may ra mới có thể tiếp giáp mặt tiền cả 4 con đường vì mức độ động rất lớn mà thiếu đi tĩnh. Trong Phong Thuỷ Tĩnh là Âm rất có lợi cho gia đạo, tình cảm, sức khoẻ của người nhà. Nếu như Động là Dương biểu thị lợi cho tài lộc, kinh doanh thì nơi mà không có Động Tĩnh Âm Dương phối hợp mà quá Dương thì gọi là Độc Dương Bất Trưởng.
Nơi này sẽ quá động, xe cộ chạy suốt ngày, tâm trạng gia chủ lúc nào cũng sẽ bất an, nơm nớp lo sợ, dễ nổi nóng, khó lòng mà điềm tĩnh, an nhiên vui vẻ để tận hưởng cuộc sống được. Lúc nào cũng nôn nóng đi kiếm tiền nhưng sức khoẻ và tâm trí thì ngày càng suy sụp.
Xung quanh là 4 mặt đường thì không có không gian kín đảo, riêng tư mà một người giàu có rất cần để tránh sự quan sát, tò mò của những người xung quanh.
Trong Phong Thuỷ rất kỵ thế 4 con đường vây quanh, đó chính là chữ Tỉnh hay giếng sẽ làm cho người nhà muốn lao đầu xuống giếng tự sát hoặc rơi vào cảnh tù tội, bị bắt giữ.
Tất nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác vi tế hơn nằm bên trong thiết kế phong thuỷ của căn nhà tuy nhiên chúng tôi sẽ chia sẻ riêng với học viên lớp học TMFS.
Tiếc thay cho đại gia Nguyễn Văn Hảo, nếu như ông có quan tâm một chút xíu đến yếu tố Phong Thuỷ hoặc gặp được một người thầy có trình độ Phong Thuỷ cao một chút thì có thể đã cứu vãn được nhiều điều.
Hi vọng chuỗi bài này sẽ đón nhận được nhiều sự ủng hộ hơn của các bạn để chúng ta tiếp tục khai phá nhiều bí ẩn phong thuỷ tại nhiều địa phương khác trong tương lai.
Vì cộng đồng thịnh vượng,
Nguyễn Thành Phương.