Nguyên lý Phong Thủy trong 100 Logo Thương Hiệu Hàng Đầu Thế Giới
11/01/2023

Từ trước đến nay, chúng tôi đã tư vấn về Phong Thủy cho nhiều doanh nghiệp khi họ có mong muốn thiết kế màu sắc logo, nhận diện thương hiệu (brand identity). Với nền tảng kiến thức cả về Phong Thủy lẫn nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí quản lý marketing, nhãn hiệu ở các tập đoàn đa quốc gia (P&G, ICI, Rohto Mentholatum), chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu nhiều lắm về các tiêu chí Phong Thủy trong việc thiết kế thiết kế logo, nhãn hiệu mà thường hiểu chỉ đơn giản như lựa màu sắc nào hợp mạng theo năm sinh của người chủ doanh nghiệp. Sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng lớn đến thành công của nhãn hiệu Việt nên chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như dưới đây để mong giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thêm vững mạnh trên thương trường.

Trước tiên phải nói ngay rằng với công nghệ in ấn, thiết kế ngày nay thì màu sắc rất đa dạng, đủ chủng loại, từ màu sắc pha trộn, các sắc độ đậm nhạt. Đơn giản nhất là có những hãng sơn đã quảng cáo “Không chỉ là 1.040 màu sơn”. Vậy trong số hàng ngàn màu sắc thì bạn nghĩ là các thương hiệu hàng đầu thế giới sử dụng tông màu gì là chủ yếu cho logo, nhãn hiệu?

Chúng tôi xem xét bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Thế Giới chỉ có 2 màu là chủ đạo: Xanh Dương & Đỏ. Xanh Dương hay còn gọi là xanh da trời, xanh nước biển là tượng trưng cho Thủy, tượng trưng cho màu lạnh. Đỏ thuộc tông màu ấm nóng và tượng trưng cho Hỏa.

Thủy và Hỏa chính là 2 quái Phụ Mẫu trong Bát Quái Tiên Thiên (Càn) và (Khôn) và trong Bát Quái Hậu Thiên – Khảm và Ly. Thủy tượng trưng cho lợi nhuận, tài lộc, dòng chảy của tiền bạc vào túi (tiếng Anh gọi là cashflow hay ngân lưu). Hỏa tượng trưng cho sự tin yêu, quý mến của người tiêu dùng dành cho thương hiệu đó.

Theo khoa Tứ Trụ và ngũ hành âm dương thì Thủy tượng trưng nước biển sâu thẳm hay suy nghĩ lý trí, sự thông minh, suy nghĩ tính toán chính là não trái của con người – sống theo lý tính; Hỏa tượng trưng sự ấm áp cảm xúc lung linh như ánh lửa bập bùng tức chỉ cảm xúc, tình yêu chính là não phải – sống theo cảm tính. Như vậy các thương hiệu hoặc là gây ảnh hưởng đến suy nghĩ lý tính của (mind share) tức xanh Thủy hoặc là đánh vào cảm xúc của người tiêu dùng (heart share) tức đỏ Hỏa trong cuộc chiến giành thị phần (market share).

Nếu doanh nghiệp của bạn là 1 doanh nghiệp muốn cho người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên khi hàng hóa dịch vụ của bạn bán là sản phẩm phổ biến, giá mềm, dịch vụ cạnh tranh về chi phí (tức thuộc dạng high value) thì tốt nhất là sử dụng hành Thủy – tức màu xanh dương. Nếu doanh nghiệp của bạn mong muốn đánh thức giác quan, cảm nhận, tình yêu, sự sôi nổi, vui vẻ của khách hàng (tức thuộc dạng emotional based, hay use-for-fun) thì nên sử dụng hành Hỏa – tức màu đỏ.

Các thương hiệu sử dụng màu Xanh Thủy thành công trên Thế Giới và Việt Nam: tập đoàn hàng tiêu dùng P&G, Unilever, Gillete, Facebook, Microsoft, IBM, HP, Intel, Samsung, Ford, BMW, Volvo, Philipps, Volvo, Citi group, Danone, Allianz, SAP, Panasonic, American Express, Visa, Kleenex, Corona, GAP, Nokia, Nescafe, Sony, Siemens, MTV, Duracell, Johnie Walker.

Các thương hiệu sử dụng màu Đỏ Hỏa thành công trên Thế Giới và Việt Nam: Coca Cola, Pepsi Cola, Toyota, Cisco, Oracle, Honda, H&M, Kellogg, Budweiser, Cannon, Hermes Paris, Audi, Colgate, Xerox, Shell, 3M, KFC, KIA, Santander, Adobe, Johnson & Johnson, DHL, Harley Davidson, Master Card, Smirnoff, Huawei, Pizzahut.

Các thương hiệu liệt kê ở trên chúng tôi lọc từ danh sách 100 thương hiệu đứng đầu thế giới trong năm 2014 mà Interbrand bầu chọn. Số thương hiệu sử dụng màu Xanh Thủy logo: 31. Số thương hiệu sử dụng Đỏ Hỏa logo: 27. Vậy là trong số hàng ngàn màu sắc thì chỉ 2 màu Xanh Thủy và Đỏ Hỏa đã chiếm đến 60% số lượng logo thương hiệu hàng đầu thế giới.

Một trong những điều thêm nữa cần lưu ý đó là thiết kế logo thương hiệu cần phải chú trọng đến đường nét cong vì bộ não con người bị kích thích bởi đường cong hơn đường thẳng. Bạn cứ hỏi đàn ông (50% dân số) là thấy “đường cong” hấp dẫn hay đường thẳng? Theo phong thủy thì đường tròn, cong, gợn sóng uốn lượn là biểu trưng cho hành Kim do đó rất có lợi cho trí nhớ, suy nghĩ về nhãn hiệu của người tiêu dùng (vì Kim sinh Thủy).

Một trong những điểm khác cần lưu ý về phong thủy logo nhãn hiệu là chỉ nên có tối đa 2 màu chứ không nên quá nhiều phần vì các màu sắc Ngũ Hành này có thể xung khắc lẫn nhau, va vì bộ não quá tải của người tiêu dùng sẽ khó nhớ hơn là 1 màu thuần túy. Bạn nghĩ xem thương hiệu Coca Cola với màu đỏ nổi trội sẽ được ghi nhớ tốt hơn hay là thương hiệu Pepsi Cola với xanh đỏ Thủy Hỏa tương khắc ngũ hành? Coca cola được Interbrand đánh giá là đứng thứ 3 toàn cầu, với giá trị lên đến 81.5 tỷ USD. Còn Pepsi cola đứng thứ 24, với giá trị 19.1 tỷ USD!

Thương hiệu và logo màu xanh dương Thủy và đỏ Hỏa Saigon CoopMart một thời dễ nhớ hơn hay là logo và bộ nhận diện gồm đủ thứ hình tròn, multicolor hiện nay (xanh, hồng, xanh lá cây) của Saigon CoopMart? Càng nhiều màu thì càng nhiều sự rối rắm trong Ngũ Hành xung khắc, khiến cho suy nghĩ đầu óc khách hàng sẽ lẫn lộn mà không thuần lý tính hay cảm tính. Ngày nay là thời đại công nghiệp, chỉ cần 1 giây ngần ngừ suy nghĩ không thông suốt về quyết định mua hay không mua hàng, sẽ không “chốt sale” được với khách hàng và bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy doanh số.

Nếu đối thủ của bạn chọn màu Xanh Thủy thì tốt nhất bạn nên chọn màu đối lập hẳn như Đỏ Hỏa sẽ tốt hơn những màu lờ nhờ ít nổi bật hay là chọn màu giông giống của đối thủ. Ví như Vietnam Airlines với màu Xanh Thủy và Vietjet Air với màu Đỏ Hỏa. Bạn còn nhớ màu sắc của Jetstar là tông màu đen chủ đạo? Đen và xanh dương là tông của Thủy trùng với đối thủ ra đời trước là Vietnam Airlines. Đây có phải là 1 phần nguyên nhân Jetstar VN phải thất bại và bán cho Vietnam Airlines? Còn VietJet Air thì đang phát triển rất tốt vì tạo ra sự đối trọng trong lựa chọn của ngừoi tiêu dùng.

Hay Pepsi Cola là người ra đời sau lại chọn màu sắc Xanh Thủy + Đỏ Hỏa không nổi bật rõ ràng, mà có vẻ giống như màu sắc Đỏ của Coca Cola. Chưa kể là logo ban đầu của Pepsi Cola là Đỏ Hỏa và Xanh Thủy là cân bằng, khoảng năm 2008 đến nay thì lại thay đổi với Đỏ Hỏa chủ đạo, xung khắc và lấn át Xanh Thủy. Đó là dấu hiệu của đối thủ Coca Cola Đỏ đã lấn ép Pepsi Cola Xanh Thủy và bằng chứng rõ ràng là bảng bình chọn năm 2014 của Interbrand đã nhắc đến ở trên.

Một điều nhắc nhở cuối: màu sắc bạn chọn cho logo cần phải phù hợp với Ngũ Hành của ngành nghề. Bạn nghĩ tại sao các thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh đều chọn màu Đỏ Hỏa ? Đỏ Hỏa tượng trưng cho nhà bếp đỏ lửa, tượng trưng cho niềm vui, sinh động, hứng khởi và kích thích sự đói bụng cồn cào (Hỏa sinh Thổ mà). Như McDonald, KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King, Domino Pizza. Tại sao các thương hiệu về hàng tiêu dùng lại chọn màu logo cho doanh nghiệp là Xanh Thủy? 2 tập đoàn hàng đầu về hàng tiêu dùng của Thế Giới là P&G và Unilever chọn màu duy nhất gì để thiết kế logo? Chính là Xanh Thủy. Vì mặt hàng tiêu dùng nhanh FMCG (fast-moving consumer goods) phải lưu chuyển liên tục trên thị trường tượng cho hành Thủy.

Tóm lại, màu sắc, hình khối lựa chọn cho Logo, Thương Hiệu cần thỏa mãn 1 số tiêu chí cơ bản về Phong Thủy như sau để đảm bảo đạt thành công tốt:

+ Đảm bảo không có xung khắc Ngũ Hành trong màu sắc. Tốt nhất là tối đa là 2 màu.

+ Ưu tiên màu Xanh Thủy hoặc Đỏ Hỏa để tác động lên não phải và não trái con người.

+ Ưu tiên đường nét cong, uốn lượn hơn đường nét thẳng, cứng.

+ Đừng chọn màu sắc cùng ngũ hành với đối thủ mà nên chọn đối lập hẳn sẽ giúp thương hiệu có định vị nhãn hiệu rõ ràng trong tâm trí khách hàng.

+ Chọn màu sắc hợp với ngũ hành của sản phẩm dịch vụ, ngành nghề.

Dĩ nhiên là còn rất nhiều quy tắc Phong Thủy để lựa chọn cho việc xét thiết kế, màu sắc logo thương hiệu: tuân theo tượng Kinh Dịch, tuân theo Dụng Thần Bát Tự của chủ doanh nghiệp, tuân theo Bát Tự của chính Công Ty, tuân theo quy luật Sinh Nhập, Vượng Tài, theo Vận của Hà Đồ tuy nhiên vì giới hạn bài viết chúng tôi không thể đề cập hết. Hi vọng sẽ có dịp trình bày thêm vào 1 dịp khác.

Chúng ta cần học tập kinh nghiệm từ hơn 100 logo thương hiệu hàng đầu thế giới!

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương