• Trang chủ
  • /
  • Tư vấn
  • /
  • Phong thuỷ mộ phần âm trạch - Khảo sát mộ ông Nguyễn Văn Thiệu (Phần 13)
Phong thuỷ mộ phần âm trạch - Khảo sát mộ ông Nguyễn Văn Thiệu (Phần 13)
18/10/2022

Vào một ngày hè nóng bức, đoàn học viên lớp học Âm Trạch Cao Cấp của Phong Thủy Tường Minh tìm đến nơi có lượng mưa ít nhất Việt Nam – Ninh Thuận – quê hương của ông Thiệu.

Theo lịch sử thì sau khi đắc cử Tổng Thống ông quay về tạ ơn mộ tổ và quy tập mộ phần gia tộc về sau trường tiểu học Dư Khánh và cho 2 lính bảo an thường xuyên canh gác.

Trường tiểu học Dư Khánh nay đã đổi tên thành trường THCS Lý Thường Kiệt và mộ phần gia tộc của ông Thiệu cũng đã bị giải tỏa trắng. Tuy nhiên với kinh nghiệm, kiến thức và bằng 1 vài biện pháp nghiệp vụ chúng tôi tìm ra được vị trí đặt mộ tổ gốc của ông Thiệu.

Ngôi mộ tọa Tý hướng Ngọ, phân kim Bính Tý theo trục Đế Vương lý tưởng. Phía sau có Huyền Vũ cúi đầu, phía trước có Chu Tước ở Trung Minh Đường là dòng sông chảy từ Tây sang Đông, Ngoại Minh Đường là biển Đông sóng vỗ. 2 bên Thanh Long Bạch Hổ đều có đủ, tuy bên dưới chân núi gió rất nhiều nhưng tại huyệt đạt được thế tàng phong tụ khí không hề có gió lớn.

Phía Thanh Long được trấn yểm bằng tượng Đức Mẹ Fatima, bên Bạch Hổ cao lớn tượng trưng cho mộ sẽ sinh ra dòng thứ mạnh mẽ, cụ thể là ông Thiệu là người con trai út, thứ 8 trong gia đình gồm 5 trai, 2 gái.

Theo Tam Hợp Phái thì nước chảy đến từ Thân, tức là Trường Sinh biểu thị sức khỏe, sức sống mạnh mẽ dồi dào, vượt qua mọi đối thủ, gian nan trắc trở. Nước chảy đến từ Đầm Nại, một đầm nước ngọt tự nhiên khổng lồ do các ngọn núi bao quanh. Nước lại chảy đi khứ tại Mộ Sa, tức ở Thìn là lý tưởng. Tọa mộ thuộc Tý là Đế Vượng. Như vậy đạt cách cục lý tưởng Tam Hợp Trường Sinh Thủy.

Theo Nhị Thập Bát Tú thì mộ tọa sao Nguy lục phân, chủ phát xuất đại quan, làm quan văn võ triều đình, tiên phát phú hậu phát quý, tử tôn đời đời phú quý, đại vượng dài lâu.

Theo phong thủy Huyền Không thì mộ tọa Quẻ Sơn Địa Bác, sao Vũ Khúc chủ phát người về văn tài thao lược quân sự, sao này có Ngũ Hành Thủy, Quái vận 6 chủ trong Hạ Nguyên vận 6 (tức khoảng 1960 - 1984) sẽ phát người làm quan võ, tướng quân sự nắm quyền bính thao lược. Sao Vũ Khúc chiếu đến khu vực phía Bắc là ám hợp với Địa Bàn mà tạo thành cách cục Hà Đồ - Nhất Lục Cộng Tông. Đây được xem là Hà Đồ tốt nhất trong Tứ Cục vì hợp khí Tiên Thiên.

Theo Huyền Không Tam Nguyên thì sự ứng hợp sẽ xảy ra vào các năm Giáp, Ất, đặc biệt là Giáp Thìn và Ất Tỵ và phát cho người sinh vào tuổi Quý, Ất, Đinh. Đặc biệt là ứng hợp cho người sinh năm Quý Hợi.

Từ xưa đến nay dân gian cứ nghĩ rằng táng mộ xong thì con cháu sẽ làm ăn phát đạt, dòng nào cũng vậy. Đây là sai lầm. Vì sự ứng hợp trong Phong Thủy âm trạch chỉ xảy ra cho một số con cháu theo dòng trưởng, trung hay thứ; con trai hay con gái; người sinh năm nào, tất cả đều có thể tính toán được.

Khi chúng tôi đi tư vấn phong thủy âm trạch thì đều hỏi khách hàng muốn mộ này phát đặc biệt cho ai, người sinh năm nào, còn giả như muốn tốt chia đều cho tất cả mọi người thì dĩ nhiên là mỗi người sẽ được 1 ít nhưng đôi khi cũng rất khó. Vì địa hình không phải lúc nào cũng ưu ái cho tất cả mọi con cháu. Nên sau khi táng mộ xong thường sẽ có người con sẽ phát tài, lại có người chỉ bình thường.

Xung quanh 4 phía theo Lai Bố Y trong Thôi Quan Thiên có đề cập đến phép tiêu sa thì ở phía Bắc có Thiên Ất Quý Nhân Sơn, có Văn Xương Sa ở phía Tây.

Tuy là tốt như vậy nhưng không phải tất cả các năm con cháu làm ăn, sinh hoạt đều được tốt như nhau.

Theo Dương Công Cổ Pháp thì sự ứng hợp sẽ xảy ra vào năm Thân, Tý và Thìn. Về Huyền Không Đại Quái thì nói rằng sự ứng phát vào năm Giáp, Ất, Quý đặc biệt là các năm Quý Hợi, Giáp Thìn, Ất Tỵ….sẽ phát mạnh mẽ.

Như vậy vào năm Quý Hợi, tức 1923 thì ông Thiệu được sinh ra, vừa là con út, vừa có năm sinh ứng hợp cho huyệt Đế Vương này.

Những mốc thời điểm quan trọng trong cuộc đời của ông Nguyễn Văn Thiệu

Năm 1954, được thăng cấp Thiếu tá chỉ huy Liên đoàn Bộ binh số 11 và đã dẫn đầu một cuộc hành quân đánh vào làng quê Thanh Hải, nơi ông từng sinh sống. Việt Minh rút lui vào căn nhà cũ của gia đình ông và tin rằng ông sẽ không tấn công tiếp, nhưng họ đã nhầm.Ông đã cho nổ mìn đánh bật được lực lượng Việt Minh ra khỏi khu vực, nhưng đồng thời căn nhà nơi ông sinh ra và lớn lên cũng bị phá hủy. Tháng 7, làm Trưởng phòng 3 Đệ nhị Quân khu Trung Việt do Đại tá Trương Văn Xương làm Tư lệnh. Tháng 10 ông làm Tham mưu trưởng Đệ nhị Quân khu sau khi bàn giao chức Trưởng phòng 3 cho Thiếu tá Trần Thiện Khiêm. Cuối năm đi làm Tiểu khu trưởng Ninh Thuận thay Thiếu tá Đỗ Mậu.

Sang thời Đệ Nhất Cộng hòa năm 1955 ông được thăng cấp Trung tá với chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt thay Trung tá Nguyễn Văn Chuân sau khi bàn giao Tiểu khu Ninh Thuận lại cho Thiếu tá Thái Quang Hoàng.

Năm 1963, ông tham gia lực lượng đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính, ông được thăng Thiếu tướng Uỷ viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

Đầu năm 1964, ông cũng tham gia cùng tướng Nguyễn Khánh thực hiện một cuộc đảo chính khác, gọi là "chỉnh lý năm 1964"; Ông nhận chức Tư lệnh Quân đoàn IV & vùng 4 chiến thuật thay thế trung tướng Dương Văn Đức.

Đầu năm 1965 ông được thăng Trung tướng và giữ chức đệ nhị Phó Thủ tướng nội các Trần Văn Hương. Bàn giao Quân đoàn IV cho Thiếu tướng Đặng Văn Quang (nguyên Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh). Nguyễn Văn Thiệu trở thành Quốc trưởng và Nguyễn Cao Kỳ trở thành Thủ tướng của chính phủ mới.

Như vậy điểm lại các mốc quan trọng trong cuộc đời ông như sau:
- 1923 – Quý Hợi – năm sinh của ông
- 1954 – Giáp Ngọ - lập chiến công và được làm Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận
- 1955 - Ất Mùi - làm Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt
- 1963 - Quý Mão- lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm
- 1964 – Giáp Thìn - làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4
- 1965 – Ất Tỵ - làm Quốc Trưởng của Việt Nam Cộng Hòa
- 1975 - Ất Mão - thất bại

Như vậy nhìn lại thì các mốc quan trọng trong đời ông đều có liên quan đến năm Giáp, Ất, Quý.

Tuy nhiên đó là sự ứng hợp tuy nhiên đến năm 1975 Ất Mão tại sao cũng ứng với việc ông mất chức TT và thất bại, phải tháo chạy?

Đó là vì địa thế long thủy ở đây có liên quan đến Hòn Đá Dao và Núi Mặt Quỷ mà ông đã ra sức tìm cách trấn yểm bằng cách cho người canh giữ Hòn Đá Dao kỹ lưỡng.

Mặt Quỷ là Sát Sơn; Hòn Đá Dao là Quan Sơn. Khi Quan Sát mạnh thì còn giữ được vận mệnh chính trị.

Nhà ông Nguyễn Văn Thiệu

Thông tin lịch sử tham khảo như sau:

Ở vùng quê Ninh Hải, có ngọn núi tên Đá Chồng. Trên núi có ba tảng đá lớn chồng lên nhau có hình thù rất dữ tợn đặt tên là núi Mặt Quỷ. Cách núi Mặt Quỷ khoảng 1 cây số, ở chóp Bắc núi Đá Chồng, có một tảng đá lớn hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 6 m, cao 3m nhìn giông giống như cái dao, nên được gọi tên là hòn Đá Dao, các thầy phán là “yểm mệnh” của Thiệu.

Dân xứ này có câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao”, sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu thăng quan, tiến chức, phát quang lộ mặc dù nhà gần chân núi Mặt Quỷ vẫn không sao là nhờ hòn Đá Dao. Tin lời các quân sư “chiêm tinh gia” nên nhân chuyến hồi hương vinh quy bái tổ, vợ chồng Thiệu mang theo các sự phụ cao nhân về để trấn, yểm giữ long mạch núi Đá Chồng để bảo vệ linh khí cho Thiệu về sau.

Để "yếm" long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ, ông Thiệu lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ.

Âm dương bài bố đầy đủ tuy nhiên số trời định vận nước.

Vào một buổi chiều năm 1974, lúc đó khoảng 4 giờ, đùng một phát, từ lưng chừng núi, ngọn Đá Dao - linh vật trấn yểm giữ vận mạng đời Nguyễn Văn Thiệu như lời thầy phán bị vỡ đôi lăn lông lốc xuống, đánh vỡ ba hòn đá Mặt Quỷ và lăn xuống chân núi giữa một chiều không mưa, trời quang mây tạnh...khiến mọi người vô cùng kinh hãi.

Vào dịp Tiết Kinh trập (sâu nở) mùa xuân năm 1975, toàn vùng Văn Sơn, Bình Sơn, Khánh Hải, Ninh Chữ đột nhiên xảy ra một trận thiên địch lớn chưa từng thấy. Hàng đàn sâu bọ, côn trùng các loại, nhất là sâu róm, sâu gai xuất hiện dày đặc, quét hết đợt này, đợt khác lại xuất hiện tràn qua đường lộ và cầu Lăng Ông. Chúng tàn phá sạch sẽ các loại hoa màu, ruộng lúa. Đây là vùng đất chuyên trồng hành lá, sâu bò lổn nhổn đầy đường, đầy đất nên nhiều gia đình phải chạy di tản. Sau đó là hàng dàn bươm bướm hàng ti tỉ con bay rợp trời.

Tại núi Đá Chồng, trong các hốc đá của hòn Đá Dao bị vỡ, sâu và bọ hung cũng xuất hiện lũ lượt. Chúng túa ra, bò hàng đàn qua lộ và nối nhau mất hút ra phía biển. Dân chúng đồn đãi kháo nhau: vận ông Thiệu đã hết. Đá Mặt Quỷ, hòn Đá Dao ngã đổ đồng nghĩa với “mệnh trời” của Nguyễn Văn Thiệu cũng ngã theo.

Tại sao lại xảy ra hiện tượng sét đánh hòn Đá Dao và núi Mặt Quỷ. Điều này liên quan đến nguyên nhân về tâm linh mà chúng tôi xin phép không chia sẻ tại đây.

Lớp học khảo sát phong thủy âm trạch 

Buổi chiều khi chúng tôi đến đây khảo sát phong thủy âm trạch thì trời vẫn nắng đẹp tuy nhiên sau khi tìm ra được vị trí huyệt mộ này và đo đạc, phân tích đánh giá thì rất nhanh trong vòng 5 phút, trời chuyển mây đen ầm ầm, giông gió nổi lên khắp nơi. Tôi giật mình bấm độn biết rằng có yếu tố huyền bí về thiên cơ tại đây nên chúng tôi chỉ xin phép tiết lộ đến đây. Quả nhiên, xe chúng tôi vừa đi ra khỏi khu vực núi Tân An, đến Hòn Đá Chồng thì trời quang mây tạnh không có mưa gì cả. Huyệt mộ này là của trời cho, ai có duyên mới được hưởng.

Riêng đối với các bạn nghiên cứu phong thủy âm trạch, tôi hy vọng đã tiết lộ đủ nhiều kiến thức cho bạn học hỏi thêm. Đây là 1 trong những lần hiếm hoi chúng tôi trình bày hé lộ một ít kiến thức cao cấp chuyên sâu, hy vọng các cao thủ bàn phím chém gió sẽ không cho rằng chúng tôi không có thực lực.

Một vài chia sẻ,

Nguyễn Thành Phương